Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn với vốn văn hóa lâu đời và đặc sắc. Ấn Độ gây cho ta ấn tượng mạnh về những vùng đất hoang sơ với cảnh quan ngoạn mục, tươi đẹp cùng rất nhiều công trình kiến trúc, văn hóa, đền đài, cung điện tuyệt đẹp được xây dựng bởi những bàn tay tài hoa, khéo léo. Vì vậy, một Ấn Độ vừa phát triển mạnh mẽ vừa lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống trở thành điểm đến đầy hấp dẫn đối với nhiều du khách trên thế giới. Bên cạnh đó Kiến trúc và điêu khắc Ấn Độ thực sự là một thành tựu lớn trong kho tàng nghệ thuật Ấn Độ. Trong đó kiến trúc mang đầy tính sáng tạo và sống động, đây chính là một biểu tượng hùng hồn của các mô hình xã hội trong lịch sử Ấn Độ.
Cùng kosei.edu.vn điểm qua những công trình kiến trúc lịch sử hùng vĩ nhất ở Ấn Độ nhé!
Giới thiệu chung về đất nước Ấn Độ
Vị trí địa lý
Ấn Độ là một quốc gia Nam Á, chiếm hầu hết bán đảo Ấn Độ. Ấn Độ có ranh giới với Pakistan, Trung Quốc, Myanma, Bangladesh, Nepal, Bhutan và Afghanistan. Ấn Độ là nước đông dân thứ nhì trên thế giới, với dân số trên một tỉ người, và đồng thời lớn thứ bảy về diện tích.
Cộng hoà Ấn Độ xuất hiện trên bản đồ thế giới vào ngày 15 tháng 8 năm 1947. Sự thiết lập nhà nước Ấn Độ là đỉnh cao của cuộc đấu tranh của những người tại Nam Á để thoát khỏi ách thống trị của Đế quốc Anh. Ấn Độ có nền văn minh sông Ấn (Indus) phát triển rực rỡ cách đây 5 nghìn năm. Ấn Độ là nơi sinh trưởng của bốn tôn giáo quan trọng trên thế giới: Ấn Độ giáo (Hindu), Phật giáo, đạo Jaini và đạo Sikh.
Đất nước Ấn Độ có một vị thế địa lý rất đặc biệt. Đó là lưng dựa vào dãy Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ nhất thế giới, mặt nhìn ra Ấn Độ Dương biển cả mênh mông, lại còn có 2 con sông lớn là Ấn Hà và Hằng Hà như hai dòng sữa tươi nuôi một bình nguyên bao la và cũng là cái nôi của nền văn minh nông nghiệp định cư vào thời cổ đại. Chính ở chốn địa linh nhân kiệt đó nhiều vĩ nhân ra đời như đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Thánh Mahatma Gandhi, hiền triết Jiddu Krishnamurti, thi hào Rabindranath Tagore, v.v… và các tôn giáo, trường phái triết học lớn và lâu đời nhất thế giới được hình thành như Vệ Đà, Áo Nghĩa Thư, Ấn Độ Giáo, Phật Giáo, Kỳ Na Giáo, Đạo Sikh, v.v…
Khí hậu
Khí hậu Ấn Độ biến đổi từ nhiệt đới ở phía nam đến ôn hoà ở phía bắc, các vùng phía bắc có độ cao lớn thường có tuyết rơi trong thời gian dài. Khí hậu Ấn Độ bị ảnh hưởng lớn từ dãy Himalaya và Sa mạc Thar. Núi Himalaya, cùng với dãy núi Hindu Kush ở Pakistan, là một tấm chặn tự nhiên ngăn gió lạnh từ Trung Á thổi đến. Chúng khiến cho đa phần lục địa Ấn Độ ấm hơn hầu hết các nơi khác có cùng vĩ độ. Sa mạc Thar khiến gió mùa tây nam mang theo nhiều hơi ẩm vào trong lục địa Ấn Độ gây ra mưa từ tháng 6 tới tháng 9.
Khí hậu đa dạng chính là lý do khiến Ấn Độ được liệt vào quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới, cả về số loài và số lượng cá thể. Số loài động thực vật ở tiểu lục địa Ấn Độ chỉ đứng thứ hai trên thế giới sau toàn Châu Phi, và có nhiều loài chỉ có mặt tại đây. Ấn Độ hiện là quê hương của hơn 3000 hổ Bengal, 10000 voi châu Á và khoảng 8000 con bò tót, những loài thú quý hiếm bậc nhất thế giới.
Ngôn ngữ
Ngôn ngữ:Tiếng Hin-ddi là ngôn ngữ chính thức của Ấn Độ, và được sử dụng khoảng 40% dân số Ấn Độ và là ngôn ngữ sử dụng rộng rãi nhất. Tiếng Anh cũng được ghi nhận trong hiến pháp cho một loạt các mục đích chính thức.
Ngoài ra, 18 ngôn ngữ khu vực được công nhận bởi hiến pháp. Chúng bao gồm Bengali, Gujarati, Oriya, Punjabi, được sử dụng trong các khu vực tương ứng, và Tamil và Telugu, đó là phổ biến ở phía Nam. Các ngôn ngữ khác trong khu vực bao gồm Kannada, Malayalam và Marathi. Dân số Hồi giáo phần lớn nói tiếng Urdu.
Văn hóa – Tôn Giáo
Khoảng 80% người Ấn Độ theo đạo Hindu, 13% người Hồi giáo, Sikh, Thiên chúa giáo, Jain, Parsi và Phật giáo dân tộc thiểu số.Người dân Ấn Độ rất thích được vẽ hính xăm lên cơ thể.
Kinh tế
Kinh tế Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới nếu tính theo sức mua ngang giá, với GDP tính theo đôla Mỹ đạt 3.63 nghìn tỷ. Nếu tính theo tỷ giá hối đoái với USD, nó là nền kinh tế lớn thứ mười hai thế giới với GDP tính theo đôla Mỹ đạt 775 tỷ (2005). Ấn Độ là nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai thế giới, với tỷ lệ tăng trưởng GDP đạt 8.1% ở cuối quý đầu tiên năm 2005–2006. Tuy nhiên, dân số khổng lồ của Ấn Độ khiến thu nhập trên đầu người đứng ở mức $3.400 và được xếp vào hạng nước đang phát triển.
Trong đa phần lịch sử độc lập của mình Ấn Độ luôn có khuynh hướng tiếp cận chủ nghĩa xã hội, với quản lý chặt chẽ của chính phủ trên lĩnh vực tư nhân, thương mại nước ngoài, và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Từ đầu thập kỷ 1990, Ấn Độ đã dần mở cửa thị trường thông qua các biện pháp cải cách kinh tế bằng cách giảm bớt quản lý chính phủ trên thương mại nước ngoài và đầu tư. Tư nhân hoá các nghành công nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và mở cửa một số lĩnh vực cho các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài dần xuất hiện trong những cuộc tranh luận chính trị.
Xã hội
Hindu có truyền thống cho lời chào là gấp bàn tay, nghiêng đầu về phía trước và nói namaste. Phụ nữ Ấn Độ thường không thích bắt tay. Tất cả du khách bỏ giày dép khi vào những nơi thờ phượng tôn giáo. Hầu hết người Ấn Độ cũng bỏ giày dép của họ khi bước vào ngôi nhà của mình, du khách nên làm theo.
Nhiều người Hindu ăn chay đặc biệt là phụ nữ, không uống rượu. Hầu hết người Sikh và Parsis không hút thuốc. Phụ nữ phải ăn mặc khiêm tốn và người đàn ông cũng nên ăn mặc trân trọng. Phụ nữ không nên mặc váy ngắn và quần áo chật hay hở hang.
Những công trình kiến trúc lịch sử nổi tiếng ở Ấn Độ
Cụm thánh tích Mahabalipuram
Cụm thánh tích Mahabalipuram, được xây dựng vào khoảng những năm 630 và 715. Đây là một cụm kiến trúc đặc biệt bao gồm nhiều ngôi đền Ấn Độ giáo to nhỏ khác nhau được tách trực tiếp vào những tảng đá liền khối như các catha (thiên xa) và đền thờ thần Si-va có tên là Đền ven biển xây hoàn toàn bằng đá. Các ngôi đền đều được tạc vào các tảng đá lớn liền khối. Đền ven biển cũng được xây toàn bằng đá, bên cạnh các ngôi đền có những tượng lớn: voi, sư tử, bò…
Trong số tám thiên xa bằng đá, khối nổi bật lên là năm ratha đứng cạnh nhau mang tên những người anh em nhà Pandava trong sử thi Mahabharata. Nhưng mỗi thiên xa đá khối có vóc dáng riêng của nó như thân vuông, mỗi cạnh dài 8,85mét, cao 12,2 mét và bộ mái ba tầng thu nhỏ dần về phía đỉnh. Hai tầng mái phía dưới có hành lang bao quanh và được tô điểm bằng các tháp nhỏ, còn tầng thứ ba hay tầng trên cùng lại là cả một khối vòm tròn lớn, gây được ấn tượng hoành tráng mạnh mẽ.
Mặc dù rất đa dạng và phong phú về đề tài thể hiện, song nghệ thuật điêu khắc đá ở Mahabalipuram vẫn toát lên một bút pháp hoặc phong cách nghệ thuật chung là: mạnh mẽ, sống động, chuẩn xác và hoành tráng, Mahabalipuram với nhiều ngôi đền độc đáo và những hình phù điêu khổng lồ quả là điều kì diệu của nghệ thuật miền nam Ấn Độ. Không phải ngẫu nhiên mà có các nhà khoa học đã ví khu đền Mahavalipuram như đỉnh Everest của nghệ thuật cổ Trung đại của Ấn Độ.
Đền khajuraho
Kiến trúc đền đài thời cổ Ấn Ðộ là một cống hiến to lớn cho kho tàng văn hóa nhân loại. Cho đến ngày nay người ta vẫn chưa hết kinh ngạc về sự khéo léo, tinh tế của những bàn tay thợ tài hoa cách đây 10 thế kỷ. Có cảm tưởng đá cẩm thạch trong tay nghệ nhân thời xưa cũng dễ sai khiến như chất dẻo hay đất sét trong tay người thời nay. Những nhóm tượng có tính sắc dục đã làm Burt bất bình cách đây hơn 100 năm giờ đây lại vẫn làm giật mình biết bao du khách.
Ðược xây dựng dần dần trong hai thế kỷ X và XI, ở Khajuraho hiện tại chỉ còn 22 đền trong tổng số 85 ngôi đền. Khắp bề mặt các ngôi đền, từ những bậc đá lên tới tận đỉnh tháp, là những bức tượng bằng đá diễn tả cảnh sinh hoạt mọi mặt của người Ấn Ðộ. Từ cảnh ăn chơi xa hoa của vua chúa trong hoàng cung cho đến cảnh lao động, học hành tu tập, thuần hóa thú dữ… Những hình chạm trổ trên đá về vũ nữ apsara trên thiên đình hay hình những thiếu nữ đồng trinh tuyệt đẹp xuất hiện trên đỉnh cột của các đền đài. Ðặc biệt, xen kẽ giữa các nữ thần là những nhóm tượng cặp trai gái, hoặc từng nhóm trai gái, đang giao hoan. Những người ở gần đó kẻ thì tinh ngịch rình xem, kẻ thì ngượng ngùng, nụ cười thấp thoáng đằng sau những bàn tay che mặt. Nhưng người nghệ nhân điêu khắc cũng tinh quái, họ đã để cho cô gái che mặt nọ vẫn hé mắt nhìn giữa những ngón tay che.
Đền Taj Mahal
Với mỹ danh tuyệt đẹp “Bài thơ tình được khắc trên đá”, đền Taj Mahal không chỉ là biểu tượng du lịch nổi tiếng nhất của Ấn Độ mà còn là tuyệt tác kiến trúc của nhân loại. Bắt nguồn từ câu chuyện tình yêu đượm buồn của vua Sa Gia Han dành cho người vợ qua đời ở tuổi thanh xuân, Ngài đã dồn hết tâm huyết để thiết kế và chế tác nên một lăng mộ tuyệt đẹp theo hình thức kiến trúc đặc trưng nhất của Hồi Giáo. Tổng thể hình học của ngôi mộ được xây dựng theo hình bát giác từ cẩm thạch trắng và sa thạch đỏ.
Trung tâm của đền là mái vòm tròn đồ sộ có chiều cao 75 m và bốn ngọn tháp nhọn có chiều cao khoảng 40 m. Đặc biệt, các nghệ nhân tài hoa còn dùng những vật liệu lấp lánh sắc màu từ các đá quý để trang trí nên đường nét tinh xảo và cầu kì cho không gian ngôi đền. Chính bởi vì được chế tác hoàn toàn từ một chất liệu nhạy cảm với ánh sáng – cẩm thạch trắng cho nên đền Taj Mahal còn được ví như một “tòa lâu đài của ảo thuật”, phản ánh sự kỳ diệu của sắc màu từ đất trời xung quanh theo từng khoảnh khắc trong ngày. Với hơn ngàn năm trôi qua, ngôi đền tình yêu thủy chung này vẫn luôn luôn là điểm đến không thể bỏ qua cho những du khách yêu mến đất nước Ấn Độ huyền bí này.
Harmandir Sahib (Đền Vàng)
Tọa lạc ở ở Amritsar, Punjab, giữa biên giới Pakistan và Ấn Độ, ngôi Đền Vàng Harmandir Sahib chính là biểu tượng tâm linh thiêng liêng nhất của các tín độ tôn giáo Sikh trên khắp thế giới. Được xây dựng vào năm 1574, các tín đồ đã dùng 100 kg vàng ròng để dát lên mặt ngoài và mái vòm của thánh đường nhằm biểu hiện lòng tôn kính sâu sắc của họ đến với Chúa Trời. Đặc biệt, khi so sánh với phong cách kiến trúc phổ biến của đạo Sikh là họ thường xây dựng thánh đường ở chỗ đất cao thì ngược lại Đền Harmandir Sahib lại được đặt ở một vị trí thấp, được bao quanh bởi hồ nước Amrit Sarovar (Hồ Rượu thần) – hay còn gọi là Hồ Nước Tâm Linh, một địa điểm để kết nối linh hồn với thế giới bên kia.
Ngoài ra, khác với sự bí ẩn của một số tôn giáo khác, ngôi đền linh thiêng này có đến 4 cánh cửa ra vào nhằm thể hiện tư tưởng thân thiện và chào đón mọi người đến để tìm hiểu về thế giới tâm linh của đạo Sikh. Với sự tôn kính đối với ngôi đền, hầu như không có bất kỳ công trình kiến trúc nào có độ cao vượt quá thánh đường được xây dựng xung quanh đây. Với vẻ đẹp lộng lẫy của vàng cùng phong cách trang trí tinh xảo, chắc chắn mỗi du khách sẽ phải “mãn nhãn” khi ngắm nhìn tuyệt tác kiến trúc và tôn giáo này. Ngoài ra, dưới bầu trời xanh biếc và ánh nắng ấm áp, không gian yên bình hòa quyện trong âm thanh cầu nguyện ngân vang khắp khu vực hồ thiêng sẽ mang đến một trải nghiệm tâm linh kỳ thú, làm thanh tĩnh tâm hồn mọi người ra khỏi phiền não của thế thái nhân sinh.
Lăng mộ Humayun
Tọa lạc tại trung tâm New Delhi, lăng mộ Humayun chính là biểu tượng nổi tiếng nhất của phong cách kiến trúc Mughal tại Ấn Độ. Được xây dựng vào năm 1562 sau 9 năm nhà vua Humayun băng hà, công trình có chiều cao 47 m, được chế tác theo cảm hứng từ kiến trúc của Đế Quốc Ba Tư lúc bấy giờ từ hai nguồn vật liệu là cẩm thạch trắng và sa thạch đỏ. Khi bước vào cửa chính của lăng mộ, mỗi du khách sẽ có dịp ngất ngây trước vẻ đẹp uy nga và tráng lệ của một tuyệt tác nghệ thuật tinh xảo và kỳ công bậc nhất trong lịch sử xây dựng của Ấn Độ. Ngoài ra, vẻ đẹp hiền hòa của các khu vườn phong cách Ba Tư rộng 30 mẫu kết hợp với các hào nước mang ý nghĩa tâm linh bao quanh ngôi mộ đã tạo nên một không gian bình yên, làm thư thái tâm hồn mỗi ai đến tham quan khu di tích này. Có lẽ chính bởi vì thế khu lăng mộ Humayun luôn nằm trong top đầu danh hiệu các ngôi mộ đẹp nhất hành tinh đến ngày nay.
Cung điện Mysore
Một trong những niềm tự hào của người dân Ấn Độ là cung điện Mysore – cung điện lộng lẫy bậc nhất tọa lạc tại bang Karnataka, thuộc miền Nam Ấn Độ hiện nay. Được xây dựng từ thế kỉ 14, cung điện từng là tòa nhà của một gia đình Hoàng Gia Wodeyars cai trị thành phố trong khoảng thời gian 1399 đến 1950. Tổng thể kiến trúc của cung điện là một sự kết hợp hoàn hảo và độc đáo từ nhiều phong cách khác nhau như: Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo, Gothic và Rajput. Lý do để giải thích có sự xuất hiện của phong cách phương tây tại cung điện là vì tòa nhà Hoàng Gia này được trùng tu và thiết kế lại một phần do sự cố hỏa hoạn xảy ra vào năm 1897. Các thành viên của hoàng tộc đã mời một kiến trúc sư người Anh đến để hoàn thành công trình này, chính vì thế mà cung điện sở hữu phong cách đặc trưng của kiến trúc Gothic thời Trung Cổ hòa quyện vào giá trị nghệ thuật truyền thống của Ấn Độ.
Được chế tác từ đá granite xám và cẩm thạch hồng, cung điện tráng lệ này còn là một bảo tàng văn hóa giá trị như: điêu khắc, hội họa, vũ khí,… được lưu giữ từ thế kỉ 14 đến tận ngày nay. Đặc biệt, khi màn đêm buông xuống, cung điện thu hút ánh nhìn bởi vẻ đẹp rực rỡ và lộng lẫy như một tác phẩm cổ tích khi được thắp sáng linh lung từ 100.000 bóng đèn điện trang trí khắp bốn mặt của tòa nhà. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi nơi đây chào đón 6.000.000 du khách đến chiêm ngưỡng mỗi năm, chỉ sau tuyệt tác Taj Mahai.
Đền Ranakpur
Nằm ở vùng thung lũng hẻo lánh Arvallis, miền Tây Ấn Độ, đền Ranakpur chính là tòa thánh linh thiêng bậc nhất và đẹp nhất của giáo phái Jain, nơi chốn dành riêng cho vị thần tối cao của họ – thần Adinatha. Với diện tích siêu rộng khoảng 4.500 m2, đền bao gồm 29 không gian dành riêng để cung phụng và diễn ra các nghi thức tôn giáo của đạo Jain cùng với 1.444 trụ chống được chế tác công phu và tinh xảo từ cẩm thạch trắng.
Với số tuổi hơn 2000 năm, các tượng và phù điêu trong đền thờ chẳng những mang vẻ đẹp tinh xảo và kỳ công mà còn ẩn chứa những giá trị tâm linh sâu sắc trong tâm thức của các tín độ đạo Jain trên toàn thế giới. Ngày nay, ngôi đền Ranakpur này đã trở thành một địa danh du lịch tuyệt vời cho những ai yêu thích khám phá các tôn giáo bí ẩn của hành tinh.
Khu hang động Ajanta
Đây là cội nguồn khai sinh ra Phật Giáo, cuộc đời vĩ đại và triết lý sâu sắc của Đức Phật chính là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ nhân tạo hình và kiến trúc ở Ấn Độ. Một trong những công trình Phật Giáo hoành tráng và kỳ diệu nhất phải kể đến, đó là khu hang động Ajanta ở miền trung Ấn Độ. Quần thể thánh tích này bao gồm 30 ngôi chùa hàng được đục khoét sâu vào trong lòng các vách núi đá sừng sững có độ cao 76 m, bên trong có các chánh điện để cung phụng tôn tượng của Đức Phật và vô số các bức tranh đá được điêu khắc từ các câu chuyện xa xưa của Phật Giáo và đời sống thường ngày.
Có thể nói rằng thánh tích Ajanta chính là một tuyệt tác kỳ diệu cất giữ các bức tranh đá được xem là bảo vật của mỹ thuật Phật Giáo tại đây. Nếu bạn là một Phật Tử thì nhất định phải đến nơi đây đầu tiên trong chuyến hành hương đến Ấn Độ.
Đền Sri Ranganathaswamy
Tọa lạc ở thành phố Srirangam, Ấn Độ, ngôi đền Sri Ranganathaswamy chính là một tuyệt tác kiến trúc phức hợp tuyệt đẹp, một biểu tượng nổi tiếng nhất của đạo Hindu trên toàn thế giới. Chắc chắn khi ngắm nhìn phong cách độc đáo và tinh xảo đến từng chi tiết của ngôi đền tráng lệ này, bất kỳ ai cũng sẽ cảm thán trước kỳ công vi diệu của các nghệ nhân tài hoa bậc nhất đã chế tác ra nó.
Đây là một địa điểm linh thiêng để cung phụng thần Vishnu của Hindu giáo, toàn bộ bề mặt của ngôi đền đều được phủ đầy các bức phù điêu miêu tả vô cùng chi tiết các hiện thân của các vị thần và truyền tích bí ẩn của thần thoại Ấn Độ cổ xưa. Ngoài ra, đền Sri Ranganathaswamy còn được biết đến với danh xưng “ngôi đền 1000 cột” vì số lượng trụ cột khổng lồ được dựng lên xung quanh hành lang của nó. Chính bởi sự thu hút mãnh liệt từ một bảo vật nghệ thuật và tôn giáo tuyệt diệu cùng những bí ẩn tâm linh huyền bí lưu truyền đời đời ở nơi này, ngôi đền Hindu giáo này chào đón hàng triệu lượt du khách đến tham quan và nghiên cứu mỗi năm.
Đền Hoa Sen
Với vẻ đẹp hương sắc vẹn toàn và ý nghĩa tâm linh cao quý, hoa sen luôn là niềm cảm hứng bất tận cho các chế tác nghệ thuật kiến trúc và thi ca của văn hóa phương đông huyền bí. Một trong những công trình đẹp nhất, tiêu biểu cho đạo Bahai ở Ấn Độ – ngôi đền Hoa Sen lộng lẫy tọa lạc tại New Delhi. Có tổng diện tích hơn 105.000 m2 và cao 35 m, kỳ quan tuyệt vời có hình dáng của một hoa sen đang nở rộ đến từ sự sáng tạo và tâm huyệt của một kiến trúc sư tài ba Fa-ri-bo Sah-ba người Canada với hơn 10 năm ròng rã thiết kế và xây dựng nên nó.
Với sự đóng góp của hơn 800 kỹ sư và công nhân xây dựng, ngôi đền độc đáo có kiến trúc được đánh giá là phức tạp vào bậc nhất thế giới với 3 dãy, mỗi dãy là sự kết hợp của 9 cánh sen – một con số mang ý nghĩa hoàn hảo của đạo Bahai. Ngoài ra, mọi đồ vật trang trí từ hoa văn đến mái vòm hành lang hay nội thất bên trong đều được sáng tạo và biến hóa theo hình dáng muôn màu của hoa sen cách điệu. Chính bởi vẻ đẹp độc nhất vô nhị, ngôi đền Hoa Sen tuyệt mỹ này đã nhận được rất nhiều giải thưởng dành cho kiến trúc trên thế giới và thu hút 150.000 lượt khách tham quan mỗi ngày
Trên đây là những công trình kiến trúc lịch sử nổi tiếng nhất được tổng hợp bởi koisi.edu.vn .Hy vọng rằng bài viết trên đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin hơn về đất nước Ấn Độ nhé!