Sự tích và Ý nghĩa hoa Anh Đào Nhật Bản

Sự tích hoa Anh Đào Nhật Bản

Nhắc tới Nhật Bản là mọi người sẽ nhớ ngay đến Hoa anh đào – Một biểu tượng của đất nước mặt trời mọc. Cũng chính vì vậy mà ở Nhật hình thành nét văn hóa độc đáo – Ngắm hoa. Người Nhật gọi lễ hội này là HANAMI (花見). Vậy bạn đã từng nghe câu chuyện về sự tích hoa anh đào Nhật Bản? Hãy cùng Trung tâm tiếng Nhật Kosei khám phá nhé!

Sự tích hoa Anh Đào Nhật Bản

Mùa xuân, hoa anh đào bắt đầu nở ở hầu khắp các nơi tại Nhật. Thời tiết lúc ấy ở Nhật vẫn lạnh, nhiệt độ hàng ngày khoảng từ 2 đến 16 độ C , nhưng với người Nhật thì mùa xuân đã đến khá ấm áp.

Câu chuyện về sự tích hoa anh đào được kể lại như sau:

Ngày xưa, ở xứ Phù tang chưa có hoa anh đào như bây giờ. Tại một ngôi làng ven núi Phú Sĩ có một chàng trai khôi ngô tuấn tú, dũng cảm khác thường. Năm chàng mới tròn một tuổi, có một đạo sĩ phiêu bạt ghé qua nhà, nhìn cậu bé, mỉm cười đặt vào tay người cha thanh sắt đen bóng rồi lặng lẽ ra đi.

Lúc đấy đang mùa đông tuyết rơi tầm tã vị đạo sĩ đi khuất trong mưa tuyết rồi mà người cha vẫn thẫn thờ nhìn trông theo. Đặt thanh kiếm vào tay người vợ trẻ, ông nói như thì thầm: “Hãy cất kỹ và giao thanh sắt này lại cho con trai chúng ta khi nó tròn 14 tuổi. Số phận đã an bài nó sẽ trở thành một kiếm sĩ lừng danh”.

Cha cậu bé qua đời. Người vợ trẻ ở vậy nuôi con. Thanh sắt đen bóng được giao lại cho chàng trai năm cậu tròn 14 tuổi. Cậu rùng mình vuốt ve vật huyền bí nặng nề ấy. Một sức mạnh kỳ lạ, một khát khao khó hiểu tràn ngập vào cơ thể dũng mãnh của cậu. Người mẹ chưa kịp nói gì thì cậu đã run rẩy thốt lên trong cảm xúc nghẹn ngào: “Ta phải trở thành một kiếm sĩ nổi tiếng nhất đất nước này”.

Chàng trai đến rạp đầu xin thụ giáo một võ sĩ đạo lừng danh. Vị samurai ngắm nhìn chàng trai từ đầu đến chân, trầm ngâm suy tư bất động hàng giờ liền. Cuối cùng ông thở dài lẩm bẩm một mình “oan nghiệt” và chấp thuận. Thời gian thấm thoát thoi đưa, tuổi 18 thanh xuân tràn trề sức sống đến với người kiếm sĩ. Tay kiếm của chàng khiến những samurai kiêu hùng nhất cũng phải e dè. Nhưng còn thanh sắt? Chàng đã tự mình rèn nó thành thanh kiếm sáng ngời đầy uy lực. Nhưng chưa được, một thanh kiếm báu thực sự phải được tắm mình trong máu ngay trong ngày khai trận. Biết nhúng lưỡi thép uy lực này vào máu ai khi chàng chưa hề có kẻ thù, khi chàng chưa hề đối mặt với kẻ cướp, khi chàng chưa tìm được bất cứ lý do gì để quyết đấu một phen? Lúc này người mẹ và người thầy của chàng đã khuất núi. Cô gái duy nhất của vị võ sư lừng danh năm xưa là người thân yêu còn lại duy nhất của chàng. Mỗi ngày khi nắng đã tàn lụi trên núi Phú sĩ, đêm đã tràn ngập trên xóm núi, cô gái lại buồn bã nhìn chàng ngồi bất động, trầm tư bên bếp lửa. Chàng không còn cười nữa, mắt chàng lạnh như tuyết, chàng ôm thanh kiếm mà ước mơ ngày nó được tắm mình trong máu để trở thành bảo kiếm vô địch thiên hạ.

– Anh thân yêu! Có phải chăng đối với anh thanh kiếm này là tất cả ? Nếu nó không được tắm mình trong máu để ngập trong khí thiêng thì anh sẽ mãi mãi buồn đau?

Nhìn vào bếp lửa, chàng trai vuốt ve thanh kiếm trong lòng và nói chậm rãi rất quả quyết:
– Chỉ buồn đau thôi ư? Không đâu! Đối với anh, thanh kiếm là sự nghiệp, là cuộc sống, là tất cả…..làm sao anh có thể coi mình là một võ sĩ đạo chân chính khi thanh kiếm của anh chưa từng no say trong máu? Trời ơi! Anh chết mất! Sao thời buổi này yên bình đến thế? Sao không có kẻ cướp nào thúc giục anh xuống kiếm? Không có kẻ cuồng ngông nào thách đấu với anh?

Cô gái mỉm cười đau đớn. Cô chỉ hỏi để khẳng định quyết tâm của mình thôi.
– Anh thân yêu! Cho em được cầm lấy thanh kiếm của chàng một chút thôi.

Cầm thanh kiếm đen bóng, sắc lạnh cô gái nhìn chàng bằng ánh mắt buồn thăm thẳm rồi đột ngột đâm thẳng vào tim. Máu trào ra ướt đẫm tấm thân mảnh dẻ của nàng, nhuộm hồng chiếc áo Kimono trắng nõn, trinh bạch. Chàng trai hốt hoảng rú lên kinh hoàng, vươn tay rút phăng thanh kiếm khỏi lồng ngực cô gái. Dưới ánh lửa bập bùng, thanh kiếm ngời sắc xanh rực rỡ, hào quang loé lên lộng lẫy lạ thường: nó đã được no mình trong máu!

Nhưng từ đó, chàng trai hoàn toàn cô độc. Không samurai nào thèm kết bạn với anh. Họ nhìn sang chỗ khác khi đối mặt trên con đường hẹp. Họ rời khỏi quán trà khi anh bước vào. Họ từ chối khi anh thách đấu …. Cho đến một hôm, một buổi chiều mùa đông, khi những bông tuyết đầu mùa vừa rơi, chàng trai ôm thanh kiếm đến bên mộ cô gái. Chàng thì thầm: “Tha lỗi cho anh. Anh đã hiểu ra rồi…”. Chàng bình thản cắm sâu mũi kiếm vào bụng rạch một đường mạnh mẽ và rút kiếm ra phủ gục bên cạnh mộ. Thanh bảo kiếm cắm sâu vào mộ đất….tuyết không ngừng rơi….đến sáng. Tuyết đã ôm trọn chàng trai và ngôi mộ vào vòng tay của mình. Chỉ còn lại một cây hoa lạ, mơn mởn vươn lên tươi cười, hồng thắm. Không ai biết hoa hoá thân từ thanh kiếm ấy và người ta đặt tên hoa là Anh đào.

Hoa anh đào có nhiều loại mọc được ở nhiều nơi. Nhưng không nơi đâu đẹp bằng hoa đươc ươm mầm và trổ bông ở vùng núi Phú sĩ. Người Nhật cũng có câu: “花は桜木人は武士” (Hana wa sakuragi, hito wa bushi) nghĩa là “Trăm hoa đẹp nhất có hoa anh đào, con người đẹp nhất là người võ sĩ“. Hoa anh đào vừa nở xong thì cũng vừa rụng xuống nhưng hương thơm, nhuỵ đẹp vẫn còn nguyên. Có thể nói hoa anh đào là biểu tượng cho vẻ đẹp thanh cao nhưng mong manh, lung linh rất khó nắm bắt. Ngắm hoa anh đào đầu xuân và trà đạo là 2 văn hóa mang nét đặc trưng riêng của người Nhật.

Ý nghĩa hoa Anh Đào

Hoa anh đào là một biểu tượng của đất nước Nhật Bản mà mỗi lần nhắc tới đất nước Phù tang này bạn không thể không nhớ tới. Nhưng bạn có biết ý nghĩa của hoa Anh Đào không ??? Cùng trung tâm tiếng nhật Kosei đi tìm hiểu nhé!

Ý nghĩa hoa Anh Đào

Hoa anh đào là một biểu tượng của đất nước Nhật Bản mà mỗi lần nhắc tới đất nước Phù tang này bạn không thể không nhớ tới. Hôm nay, các bạn hãy cùng trung tâm tiếng Nhật Kosei tìm hiểu kĩ hơn về ý nghĩa của loài hoa này nhé.

Hoa anh đào,  tên tiếng Nhật là sakura 桜(さくら), là hoa của các loài thực vật thuộc phân chi anh đào. Hoa anh đào có 3 màu là trắng, đỏ và hồng, thời gian tồn tại của hoa thường rất ngắn, chỉ từ 7-15 ngày. Tùy từng loại hoa và từng vùng thời tiết khác nhau mà tuổi thọ của hoa khác nhau.

Với người Nhật, hoa anh đào tượng trưng cho sắc đẹp, sự mong manh và trong trắng, là loài hoa “thoắt nở thoắt tàn”, bởi vậy rất được các samurai yêu thích vì nó tượng trưng cho “con đường chết” của người võ sĩ. Một khi đã đến Nhật Bản, bạn có thể bắt gặp loài hoa này ở bất kì đâu, từ công viên, ven sông, dọc bờ kênh đến sân vườn của các ngôi biệt thự. Hoa anh đào nở vào mùa xuân, và tùy vào từng vùng mà thời gian nở sớm hay muộn. Ở miền Nam ấm áp, hoa nở vào cuối tháng 1, nhưng ở miền Bắc tuyết phủ thì lại nở vào khoảng tháng 5. Bởi vậy, nếu có điều kiện, bạn có thể ngắm hoa anh đào trong suốt mùa xuân.

Vào mùa hoa anh đào nở, nước Nhật được bao phủ bởi một màu hồng đỏ như những đám mây. Vào dịp này, mọi người thường tổ chức lễ hội ngắm hoa, tổ chức các bữa tiệc dưới những tán hoa anh đào.

Hoa anh đào không thể đẹp nếu đứng một mình mà chỉ đẹp khi nở thành từng đám. Chính hình ảnh này đã gửi gắm thông điệp: con người không thể mạnh khi đứng một mình, mà cần phải biểu dương sức mạnh của cộng đồng. Điều này góp phần to lớn trong công cuộc cải cách của Nhật Bản.

Hoa anh đào khi héo không như hoa hồng, cố gắng bấu víu vào đài hoa, mà chỉ cần có một cơn gió nhẹ thoảng qua là những cánh hoa sẽ nhẹ nhàng rơi. Bên cạnh đó, loài hoa này nở rồi tàn trong một thời gian rất ngắn, vì thế, hoa anh đào còn có ý nghĩa gắn với cuộc sống ngắn ngủi cũng như vẻ đẹp của tuổi thanh xuân.

Hoa anh đào rụng một cách khoan dung, buồn bã và hùng hồn. Khoan dung là bởi chỉ sau vài ngày nở là hoa bắt đầu héo, buồn là bởi nó nhắc tới cuộc đời ngắn ngủi và mong manh. Hùng hồn là bởi tuy chỉ có cuộc đời ngắn nhưng nó đã khẳng định một nét đẹp thẩm mĩ đáng tự hào của người Nhật rằng những gì đẹp trong thiên nhiên cũng như trong cuộc đời thường hiếm khi tồn tại lâu, rằng chính sự tàn phai sớm cũng là một nét đẹp, nó tắt lụi đúng đỉnh cao rực rỡ của mình, đã thể hiện một cái đẹp cao cả nhất. Hoa anh đào không chỉ tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao mà còn là nỗi buồn về sự ngắn ngủi, phù dung và tính khiêm nhường, nhẫn nhịn.

Mỗi loài hoa mang trong mình một ý nghĩa riêng, dù ngắn hay dài nhưng nhờ nó mà cuộc sống có thêm nhiều màu sắc. Đây là khoảng thời gian hoa anh đào nở đẹp nhất, nếu có cơ hội, các bạn hãy đến Nhật một lần để được hòa mình cùng thiên nhiên tuyệt đẹp nơi đây nhé!!!

Bạn đã nếm vị hoa anh đào

Hàng năm, cứ mỗi khi mùa xuân đến, hãng Starbucks lại có sản phẩm mới với vị hoa anh đào, thứ thức uống có hương vị đậm chất mùa xuân Nhật Bản. Nhưng gần đây, không chỉ có mỗi Starbuck, đồ ăn thức uống mang vị hoa anh đào cũng đã trở nên đa dạng hơn do nhiều hãng phát minh ra những sản phẩm mới qua từng năm. Hãy cùng trung tâm tiếng Nhật Kosei điểm qua một vài sản phẩm dưới đây nhé.

Hãng Kikkoman chuyên sản xuất các sản phẩm từ đậu nành, nổi tiếng với sữa đậu nành Kikkoman. Năm 2016 hãng tung ra sản phẩm sữa đậu nành Sakura với câu tựa “Vị mochisaruka cảm nhận mùa xuân”. Chắc hẳn ai cũng phải tò mò trước sự kết hợp giữa vị đậu nành và vị sakura phải không nào.

Năm 2016, lần đầu tiên trong lịch sử Pepsi có sản phẩm vị hoa anh đào. Trước dây, pepsi đã từng có vị đậu đỏ, dưa chuột, dưa hấu muối. Với những sản phẩm sáng tạo đó từ trước, cũng không có gì là bất ngờ khi Pepsi đưa ra sản phẩm mới với vị Sakura năm nay.

Bánh Sakura Chiffon, vẫn là một sản phẩm bánh của Starbucks. Tại Fukuoka, món bánh rất được ưa chuộng bởi nó làm từ bánh Chiffon xuất thân từ chính Fukuoka, cùng với hoa và lá Sakura, quốc sản Nhật Bản. Tới Starbucks uống vị Sakura và ăn bánh Sakura Chiffon, ắt hẳn là một sự kết hợp tuyệt vời của mùa xuân Nhật Bản.

3 viên socola vị Panna cotta hương Sakura, cùng 4 viên socola mang dáng dấp của Mochisakura, làm nên một gói Ciliegio của hãng Tirol-choco. Trong tiếng Ý, Ciliegio có nghĩa là Hoa anh đào. Có đồ uống sakura, có bánh sakura, không cớ gì lại không có kẹo sakura phải không.

Pudding hương Sakura và mứt đậu đỏ, một sản phẩm đậm chất Xuân của hãng Entabe. Chưa nói đến vị, cái tên và hinh dáng bên ngoài đã gợi cho người ta cảm giác thèm thuồng hương xuân. Bạn muốn thử chứ?

Những sản phẩm trên chỉ là số ít trong số hàng loạt những đồ ăn thức uống vị Sakura mà các hãng phát minh ra trong mùa xuân năm 2016. Dù mùa hoa anh đào năm nay đã qua rồi, nhưng bài viết này có khiến các bạn mong muốn được thử một thức uống, một món bánh, hay viên kẹo vị Sakura ở những mùa xuân Nhật Bản năm tới không?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *