Văn hóa Kawaii trong ẩm thực Nhật Bản
Văn hóa “Kawaii” không chỉ hiện hữu trong các phong cách thời trang, âm nhạc nữa… mà còn cả trong phong cách ẩm thực vẫn được mệnh danh là cầu kì và vô cùng tinh tế của Nhật Bản. Cùng trung tâm tiếng nhật Kosei tìm hiểu “Văn hóa Kawaii trong ẩm thực Nhật Bản”.
Ẩm thực Nhật Bản vốn nổi danh với phong cách ẩm thực cầu kì,tinh tế và xinh đẹp. Các món ăn không chỉ ngon miệng mà còn đầy tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, bên cạnh nét đẹp trang nhã truyền thống, ẩm thực Nhật còn tồn tại một xu hướng “đáng yêu hóa” món ăn – biểu hiện tiêu biểu cho làn sóng văn hóa kawaii đang chiếm lĩnh xã hội Nhật hiện đại. Hôm nay, Trung tâm tiếng Nhật Kosei sẽ cùng các bạn tìm hiểu về văn hóa Kawaii trong ẩm thực Nhật Bản.
Kawaii chỉ đơn giản là dễ thương?
Dù trở thành cụm từ cửa miệng của các thiếu nữ Nhật Bản ngày nay, nhưng thực chất “kawaii” đã xuất hiện trong văn hóa Nhật Bản truyền thống lâu đời dưới dạng một từ cổ – với “ka” (khả) và “waii” (ái) – ghép lại thành khả ái, đáng yêu, đáng mến. Nghĩa gốc của “kawaii” dùng để chỉ những sự vật, sự việc, nhân vật nhỏ nhắn, vóc dáng dễ thương, màu sắc tươi tắn đem lại cảm giác trong sáng và vui nhộn.
Kawaii trong ngôn ngữ truyền thống hay gắn liền với hình ảnh các loài động vật đáng yêu hoặc trẻ em – biểu tượng cho nét đẹp thuần khiết và tự nhiên nhất trong tâm thức người Nhật.
Do xuất phát từ quan niệm truyền thống đặc trưng, nên dù vẫn được hiểu là đáng yêu và sử dụng với tư cách một lời khen hoặc cảm thán cho những sự vật dễ thương, từ “kawaii” vẫn giữ nguyên mà không bao giờ được dịch ra Tiếng Anh cho dù nó đã phổ biến toàn cầu như một hiện tượng văn hóa và xu hướng thẩm mỹ đặc trưng ở Nhật.
Không có gì ngạc nhiên khi “kawaii” vẫn là khái niệm biệt lập với “lovely” hay “cute” trong Tiếng Anh, và ở Nhật, bạn có thể bất ngờ khi thấy các nữ sinh có thể thốt lên “kawaii!” với một cảnh tượng có vẻ chẳng ăn nhập gì với tiêu chuẩn dễ thương của chúng ta – như một cánh đồng hoa tuyệt đẹp chẳng hạn!
Sự bùng nổ của văn hóa kawaii được đánh dấu từ trong thói quen ngôn ngữ thường nhật khi bất kì sự vật dù là xinh xắn, hay chỉ đẹp hoặc ấn tượng, cũng có thể dùng “kawaii” để miêu tả. Mọi phương tiện đời sống đều khoác lên mình dáng vẻ dễ thương từ nhu yếu phẩm, đồ công nghệ, thời trang, mĩ phẩm với những màu sắc tươi tắn vui nhộn như hồng, cam, vàng, các chi tiết nhỏ nhưng đắt giá như ren, đăng ten, chấm bi…
Các sản phẩm “ăn theo” nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh được tiêu thụ với tốc độ chóng mặt, giới nghệ sĩ với hình tượng búp bê đầy màu sắc như bước ra từ manga luôn được yêu thích nồng nhiệt, phản ánh sự phổ biến của “kawaii” trong đời sống Nhật hiện đại. Sự tồn tại của yếu tố dễ thương trong ẩm thực Nhật Bản là minh chứng cho thực tế rằng văn hóa kawaii đã bao trùm lên mọi khía cạnh xã hội Nhật Bản.
Nghệ thuật tạo hình thực phẩm phong cách “kawaii”
Ẩm thực Nhật Bản từ lâu đã ghi dấu với những món ăn mang tính thẩm mỹ cao như Sushi, Wagashi,… Và hiện nay ở chính nghệ thuật tạo hình thực phẩm của mình, người Nhật cũng thổi vào đó nét đáng yêu tinh nghịch của văn hóa kawaii.
Không ít các món bánh trái truyền thống Nhật Bản được nặn theo hình dạng các loài vật với phong cách chibi hóa đáng yêu: không sao chép lại y nguyên hình dáng thực tế của sự vật mà có thao tác hình tượng hóa, biến các con vật bình thường trong tự nhiên trở nên cực kì tròn trĩnh và dễ mến. Đơn cử như bánh cá đậu đỏ hay bánh bao thỏ con – dù chúng ta vẫn nhận ra nó mô phỏng loài vật quen thuộc gì – nhưng cũng vẫn bị hình thù tròn tròn xinh xẻo đó hấp dẫn!
Ngay đến wagashi – đỉnh cao của ẩm thực Nhật Bản – cũng hàm chứa trong mình những nét đặc trưng của văn hóa kawaii. Đồ ngọt wagashi chủ yếu mang hình dạng của các loài thực vật, và kĩ thuật “chibi hóa” trong tạo hình bánh vẫn được áp dụng khi các cánh hoa thường được bo tròn và tạo hình mềm mại hơn, màu sắc cũng phối theo tông pastel vừa rực rỡ lại vừa mỏng mảnh, đáng yêu,…
Đến thời kì hiện đại, xu hướng tạo hình món ăn theo phong cách kawaii lại càng phát triển và thậm chí là lan rộng ra toàn thế giới thông qua nghệ thuật bento. Kì thực cơm hộp ở các nước Châu Á khác cũng tồn tại và cầu kì không kém Nhật Bản, nhưng chỉ ở riêng xứ Phù Tang, người ta mới tìm thấy sự xuất hiện dày đặc của những nhân vật hoạt hình hay truyện tranh như Doraemon, Pikachu, Totoro… trong chính hộp cơm hàng ngày của mọi người.
Để tạo ra những sản phẩm “y như thật” mà chúng ta thấy, người Nhật đã rất sáng tạo trong việc phối hợp các nguyên liệu và phụ gia khác nhau như ngoài cơm thì có thể sử dụng bánh mì sandwich để làm thân nhân vật, tất cả những nguyên liệu như hạt oliu, xúc xích, rau củ nhiều màu…đều được sáng tạo để làm nên các chi tiết đặc trưng trên nhân vật.
Dịch vụ ẩm thực theo xu hướng kawaii
Vượt ra khỏi khuôn khổ hình thức, văn hóa kawaii còn thể hiện sức ảnh hưởng sâu rộng của mình đến ẩm thực Nhật Bản. Đó là sự tồn tại của những chuỗi cửa hàng, dịch vụ ăn uống với phong cách đáng yêu.
Tràn ngập các con phố ở Nhật là những hàng quán với phông nền không thể dễ thương hơn, thường gắn liền với một chủ đề thống nhất nào đó như café Hello Kitty, hay dãy cửa hàng fastfood “ăn theo” hàng trăm nhân vật hư cấu nổi tiếng của Sanrio,…
Đúng như tên gọi, khi bước vào quán, bạn sẽ được phục vụ bởi những nhân viên ăn vận như các cô hầu gái với ngoại hình xinh xắn hệt búp bê phương Tây: Trang phục Lolita cầu kì với ren và đăng ten, mái tóc uốn xoăn hoặc buộc hai bên, đôi mắt to tròn và giọng nói tươi vui. Đó là chưa kể đến không gian quán cũng “kawaii” không kém khi gợi nhắc thực khách về những ngôi nhà búp bê tí hon có nội thất màu kem, giấy dán tường chấm bi, trái tim hoặc hoa nhí, cùng những chiếc khăn trải bàn cầu kì…
Trong lĩnh vực quảng cáo và kinh doanh ẩm thực, xu hướng tạo ra những chiến dịch quảng bá với các nhân vật theo nét vẽ chibi cũng khá được ưa chuộng tại Nhật. Thực tế cho thấy người Nhật rất dễ bị thu hút bởi các chương trình quảng cáo mang nhiều màu sắc, dễ thương hơn hẳn những ý tưởng hoành tráng hay sexy.
Đơn cử như quảng cáo cho bộ sản phẩm làm bánh flan tại nhà của hãng Takara Tomy mang tên Giga pudding được đông đảo công chúng quan tâm và yêu thích, với hình ảnh “bé” pudding mắt to tròn cùng bài hát chủ đề chỉ lặp lại câu “puddi puddi” rất dễ thương. Đoạn điệp khúc “puddi puddi” được giới trẻ Nhật Bản hâm mộ và bắt chước lại không kém kiyomi của Hàn Quốc đâu nhé!
Trong bối cảnh xã hội Nhật đương đại bị đè nặng bởi áp lực từ một cường quốc công nghiệp, sự phát triển của luồng văn hóa kawaii trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản là một kết quả tất yếu – khi người Nhật luôn có nhu cầu tìm kiếm một niềm vui nho nhỏ trong những món đồ ăn thức uống hàng ngày của mình.
Văn hóa sushi Nhật Bản
Sushi đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng mà khi người nước ngoài nhắc đến hai chữ Nhật Bản đều nghĩ ngay đến “Sushi”. Tuy nhiên không phải ai cũng biết hết các loại Sushi. Theo chân trung tâm tiếng nhật Kosei đến với thiên đường Sushi nhé!
Sushi Nhật Bản đã có lịch sử trên 100 năm, ngày trước để làm ra được món Sushi, người ta cần thời gian để lên làm lên men cơm và hải sản sống. Tuy nhiên ngày nay, giấm được sử dụng để rút ngắn thời gian lên men của hải sản và cơm, nhờ thế Sushi được coi như món Fast food của người Nhật Bản.
Tùy cách chế biến, trình bày mà Sushi được chia ra thành nhiều loại, và các nhà nghệ nhân Sushi ngày nay vẫn đang cố gắng tìm tòi và sáng chế ra những loại Sushi khác nhau nhiều hơn nữa.
1. Oshizushi
Được gọi nôm na là sushi “ép”, loại sushi này cần dùng khuôn gỗ để làm. Với nhiều loại biến thể khuôn oshizushi không nhất thiết là hình chữ nhật dài, mà có thể là hình tròn, hình vuông…. Cá sống sẽ được để ở dưới đáy khuôn, sau đó cơm được phủ lên trên miếng cá, và sau đó chiếc “nắp” gỗ sẽ được dùng để ấn cơm xuống thật chặt cho dính vào miếng cá. Sau đó khuôn được tháo ra và miếng sushi to sẽ được cắt thành những miếng nhỏ hơn. Sushi thường được sắp trên một đĩa nhỏ gồm 2 miếng cho một phần ăn, hoặc 6 miếng nếu là các loại maki, hoặc là 1 đĩa lớn tổng hợp nhiều loại. Khi ăn sushi, người ta thường chấm với xì dầu, ai thích thêm vị cay nồng thì hoà wasabi vào xì dầu.
2. Chirashizushi
Đây là 1 suất sushi lớn, gồm một bát cơm sushi lớn, bên trên xếp đều các loại hải sản sống, nấm, rau. Có thể đựng trong bát nhỏ hơn với suất cá nhân, hoặc bát cỡ lớn với xuất gia đình. Cách ăn cũng khá đơn giản, không cầu kì như các loại Sushi khác, hoặc trộn cơm, hải sản, với nước tương để ăn trực tiếp, hoặc người ăn có thể lấy từng chút một, cuốn với lá rong biển và chấm vào nước tương rồi thưởng thức.
3. Inarizushi
Có lẽ đây là loại sushi đơn giản và rẻ tiền nhất, bởi vì nó chỉ là cơm được nhồi vào bên trong 1 chiếc “túi” là đậu phụ rán (aburaage). Loại sushi này khi ăn cũng cho cảm giác khá thú vị, với vỏ đậu phụ dai dai nhai, hơi có vị chua một chút, hoà quện với cơm dẻo, thơm, vị chua dịu.
4. Makizushi
Đây là loại sushi có dạng hình trụ, được tạo hình bằng việc sử dụng tấm mành tre để cuộn các nguyên liệu vào với nhau thành một hình trụ dài, sau đó sẽ dùng dao sắc để cắt thành những miếng ngắn hơn (thông thường là cắt thành 6 hoặc 8 miếng) vừa ăn. Loại sushi này thường được gói trong tấm rong biển khô (vì thế còn có tên gọi là norizushi), thỉnh thoáng trứngtráng mỏng, dưa chuột bào mỏng, lá tía tô cũng được dùng để thay cho tấm rong biển.
5. Futomaki:
Là loại maki “béo”, với cơm và nhân được gói bên trong tấm rong biển. Miếng sushi thường lùn hơn, đường kính lớn hơn (5-6cm). Phần nhân thường gồm nhiều loại nguyên liệu với những màu sắc khác nhau hoặc mùi vị bổ trợ cho nhau.
6. Hosomaki:
Là loại sushi “gầy”, với cơm và nhân được cuộn bên trong tấm rong biển. Phàn nhân thường chỉ là 1 nguyên liệu, phổ biến nhất là cá hồi, cá ngừ, dưa chuột, cà rốt, quả bơ.
7. Temaki:
Đây là loại sushi hình nón với tấm rong biển cuốn bên ngoài, bên trong là cơm và các nguyên liệu sẽ được để lộ ra trông rất hấp dẫn. Temaki khá to nên phải dùng tay cầm ăn, không gắp được bằng đũa, và temaki thường được ăn ngay sau khi gói, vì tấm rong biển sẽ rất nhanh chóng bị ngấm ẩm và mềm ra khiến cho người ăn khó cầm. Vì thế, các bạn để ý là những miếng temaki được làm sẵn và bán theo dạng fastfood luôn có một lớp nylon bao lấy tấm rong biển, khi ăn chúng ta sẽ rút miếng nylon này ra.
8. Uramaki:
Đây là loại sushi mà phần cơm sẽ ở bên ngoài, lá rong biển và nhân sẽ được cuộn vào bên trong. Vì cơm ở phía ngoài nên để chống dính và cho đẹp, ngon mắt hơn, miếng sushi sẽ được lăn qua lớp trứng cá, trứng tôm hay vừng.
9. Nigiri Nigirizushi
Là loại sushi với hình dạng chúng ta thường thấy nhất. Loại sushi này bao gồm phần cơm được nặn bằng tay thành dạng hình khối chữ nhật dài, góc cạnh hơi tròn, và miếng cá sống, tôm sống, mực sống, bạch tuộc, hoặc trứng rán được đặt lên trên. Giữa miếng topping và cơm có thể có phết thêm một chút wasabi hoặc không nếu được yêu cầu.
10. Gunkanmaki:
Đây là 1 dạng đặc biệt của nigirizushi, khi mà có thêm một miếng rong biển khổ cuốn xung quanh miếng cơm. Loại sushi này, phần topping thường được sử dụng là các loại trứng cá, nhím biển, …
11. Temarizushi:
12. Sugatazushi
13.Narezushi
Các loại cà ri Nhật Bản
Cà ri Nhật Bản là một món ăn không thể bỏ qua khi nhắc đến văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Sau những biến tấu khi du nhập vào xứ sở hoa anh đào, cơm cà ri đã dần mang trong mình những nét đặc trưng của Nhật Bản, tạo nên sự khác biệt với cà ri Ấn Độ. Bài viết dưới đây trung tâm tiếng nhật Kosei sẽ cùng các bạn tìm hiểu về những loại cà ri tại Nhật Bản nhé.
Cà ri (カレー) là một trong những món ăn phổ biến nhất ở Nhật Bản. Trong đó có 3 dạng chính là cơm cà ri (カレーライス) , cà ri udon (カレーうどん) và bánh cà ri (カレーパン). Cơm cà ri là loại phổ biến nhất và thường gọi tắt là cà ri. Cà ri Nhật Bản được làm từ nguyên liệu là rất nhiều loại rau củ và thịt. Rau củ cơ bản cần có là hành tây, cà rốt và khoai tây. Thịt thì thịt bò, thịt lợn, thịt gà là phổ biến nhất.
Cà ri được đưa vào Nhật Bản từ thời Minh Trị (1868–1912) bởi người Anh quốc, đây là thời điểm Ấn Độ là thuộc địa của Anh. Cuối thập niên 1960, món ăn này mới trở thành món ăn đại trà được bán ở siêu thị và nhà hàng khắp Nhật Bản. So với cà ri Ấn Độ, sau khi được du nhập vào Nhật Bản, cà ri đã được thay đổi cách chế biến cho phù hợp với khẩu vị người Nhật. Dần dần nó đã trở thành món ăn của Nhật Bản.
Cà ri Nhật Bản rất đa dạng về loại, ngoài 3 dạng chính đã nói ở trên, còn có các loại khác như:
- katsu karē (カツカレー): Cơm cà ri kèm với thịt heo viên tẩm bột chiên lớn ở trên
- dorai karē (ドライカレー): Cơm rang vị cà ri, hoặc cơm cà ri với sốt cà ri thịt băm rang khô.
- maze karē (混ぜカレー): Cơm cà ri với cơm và nước sốt trộn đều
- karē don (カレー丼): Cơm cà ri, rưới nước sốt cà ri đặc, sốt mentsuyu hoặc hondashi lên trên bát cơm để cà ri có vị của Nhật Bản
- aigake (合がけ): Cơm với sốt cà ri và sốt hayashi
- yaki karē (焼きカレー): Cơm cà ri, đặt trứng sống lên bát cơm và nướng trong lò.
- ishiyaki karē (石焼きカレー?): Cơm cà ri làm chín bằng bát đá nung
- sūpu karē (スープカレー?): Súp cà ri, với sốt cà ri được ăn như nước dùng, có thêm các nguyên liệu khác như đùi gà, rau củ thái miếng…
Cuối thập niên 1990, ở nhiều vùng Nhật Bản nổi lên những món cà ri đặc sản của địa phương
- Cà ri hươu Hokkaido (えぞ鹿カレー) từ Hokkaido
- Cà ri sò (ほたてカレー) từ Aomori
- Cà ri cá thu (サバカレー) từ Chiba
- Cà ri táo (リンゴカレー) từ Nagano vàAomori
- Cà ri Natto (納豆カレー) từ Mito, Ibaraki
- Cà ri gà Kouchin Nagoya (名古屋コーチンチキンカレー) từ Aichi
- Cà ri bò Matsusaka (松阪牛カレー ) từ Mie
- Cà ri cá voi (クジラカレー ) từ Wakayama
- Cà ri hàu (牡蠣カレー ) từ Hiroshima
- Cà ri lê Nashi (梨カレー )từ Shimane
- Cà ri thịt heo đen (黒豚カレー ) từ Kagoshima
- Cà ri mướp đắng (ゴーヤーカレー ) từ Okinawa
Các món mì truyền thống trong ẩm thực Nhật Bản
Nói đến ẩm thực Nhật Bản, nếu chỉ nhắc đến Sushi, Tempura, Sashimi, Sukiyaki,… mà không nhắc đến các mòn mỳ – niềm tự hào của người Nhật thì sẽ là một thiếu sót lớn. Có lẽ chính sự đa dạng, phong phú cũng như hương vị tuyệt vời cùng những nét ý nghĩa văn hóa đã tạo nên sự đặc biệt của loại món ăn này. Kosei sẽ cùng các bạn tìm hiểu về Các món mì truyền thống trong ẩm thực Nhật Bản nhé!
1.ラーメン – Mì Ramen
- Ramen có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được người Nhật sáng tạo dựa trên những nguyên liệu vốn có của đất nước mình, kết hợp với hương vị và khẩu vị ăn của từng vùng miền để tạo nên món ăn rất riêng.
- Sợi mì nhỏ, màu vàng tươi, được làm từ bột mì, muối, nước nước tro tàu.
- Nước súp cầu kỳ và đặc trưng chính là điểm thu hút nhất của mì ramen. Nước dùng thường được nấu từ xương gà, xương heo, xương bò, tảo bẹ, cá mòi, hải sản,… và được khéo léo kết hợp với gia vị ( thường có Shio, Shoyu và Miso). Về cơ bản, Ramen có 5 loại ứng với 5 vị nước súp : Shio ramen (muối), Tonkotsu ramen(Xương và thịt heo), Miso Ramen (tương đậu nành), Shoyu Ramen ( nước tương) và Gyokai Ramen ( hải sản).
2.そば – Mì Soba
- Mì Soba là được xem là biểu tượng cho sự may mắn, người Nhật ăn mì này vào cuối năm để tiễn năm cũ, đón một năm mới đầy may mắn và sức khỏe. Sợi mỳ soba dài và dai còn biểu tượng cho sự trường thọ của con người, cho nên mỳ soba cũng được coi là biểu tượng cho sự may mắn.
- Mì Soba được chế biến rất công phu qua nhiều bước và cách ăn cũng rất đặc biệt. Mì soba làm bằng cách trộn bột kiều mạch và bột mì, thêm nước tạo thành bột sệt, rồi nhào và lăn cho mỏng ra, và cắt thành những sợi nhỏ.
- Hai loại mì để lựa chọn là mì mori-soba (mì rửa qua nước lạnh sau khi luộc, rồi đặt trên một cái dùng nan tre, và món mì kake-soba (mì bỏ trong tô lớn có đổ nước dùng nóng lên trên). Một loại mì cải tiến gần đây là tane-mono (mì với một miếng tempura, đậu hũ mỏng chiên vàng, các loại rau dại, thịt vịt…
3.うどん – Mì Udon
- Sợi mì có màu trắng đục, dày, đầu hình tròn hoặc hình vuông, được làm từ bột mì, muối và nước. Đây là loại mì được ưa chuộng nhất và phổ biến nhất. Ta có thể dễ dàng cảm nhận được hương vị thơm ngon và dai dai của bột mì khi thưởng thức. Nước dùng có vị lạ và đặc trưng – mặn nhẹ và ngọt thanh nhưng cũng không kém phần đậm đà.
- Udon chia làm 2 loại: một là Udon thường, sợi mỳ dày hơi vuông, giá cả phải chăng; hai là Udon đặc biệt Inaniwa, mảnh mai như sợi tóc, vàng ươm như nắng thu và giá thành cũng tương đối đắt, là món ăn yêu thích của người Nhật.
- Udon được ăn nóng hoặc lạnh. Mùa hè nóng nực, ăn món mỳ Udon lạnh cảm giác mát mẻ liền ùa về. Mùa đông lạnh giá thưởng thức mỳ Udon nóng sẽ tuyệt hơn vì sợi mỳ dẻo dai với một chút vị mặn, canh cá bào khô làm tăng lên vị ngọt thơm của sợi mỳ ngon, ăn cùng với dấm và lòng đỏ trứng gà thêm vị béo ngọt đậm đà sẽ xua tan đi cái lạnh tức thì.
Các loại bánh mochi ở Nhật Bản
Nếu ở Việt Nam, trên mặt trăng có chú Cuội và chị Hằng thì ở Nhật Bản, người ta nói trên mặt trăng có chú thỏ giã bánh Mochi đó.
Mochi là món bánh truyền thống đặc sắc trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Bài viết dưới đây Nhật ngữ Kosei sẽ cùng các bạn tìm hiểu về các loại bánh mochi nhé.
Mochi (餅, もち) là món bánh Nhật Bản làm từ gạo nếp, được giã trong khuôn và nặn thành hình. Ở Nhật Bản theo truyền thống bánh được làm vào ngày lễ gọi là mochitsuki (餅搗き). Trong khi bánh cũng được ăn quanh năm, mochi vẫn là món bánh truyền thống ăn trong dịp lễ Tết Nhật Bản.
Người ta đồn rằng nguồn gốc của bánh mochi là từ Trung Quốc, nhưng nguồn gốc chính xác của nó ở đâu vẫn chưa được xác nhận rõ ràng. Ngày lễ mochitsuki đầu tiên được tổ chứ sau khi Thần linh giáng trần, sinh ra nghề trồng lúa gạo ở Yamato trong thời kì Yayoi (300BC-300AD). Ban đầu mochi được làm từ gạo trộn đậu đỏ, chỉ dành cho Thiên hoàng và quý tộc vì nó tượng trưng cho điềm lành. Bên cạnh biểu tượng điềm lành, mochi còn được coi là bùa phù hộ cho hạnh phúc hôn nhân.
Ngày nay, mochi là món bánh không thể thiếu trong các ngày lễ ở Nhật Bản vào các thời điểm trong năm có các loại bánh mochi như
1. Bánh Mochi – dịp năm mới
- Kagami mochi (鏡餅 – mochi gương ) là món bánh trang trí trong dịp năm mới, theo truyền thống thì khi phá bánh và ăn bánh, người ta gọi tuc đó là Kagami biraki (mở gương).
- Zouni (雑煮) là món súp có chứa mochi. Zouni được ăn trong ngày lễ tết. Súp không chỉ có mochi mà còn có các loại rau củ như cà rốt, khoai môn, chả cá.
- Kinako mochi (きな粉餅) theo truyền thống được làm vào dịp năm mới để cầu may. Người ta nướng mochi trên lửa hoặc trong lò, sau đó dìm trong nước, cuối cùng phết đường và bột kinako (bột đậu tương) xung quanh bánh
2. Bánh Mochi – Mùa xuân
Sakuramochi (桜餅) là mochi có màu hồng, là màu của hoa anh đào biểu tượng của mùa xuân, nhân đậu đỏ ngọt, bọc bao quanh lá anh đào muối có thể ăn được. Bánh được làm trong suốt mùa xuân ở Nhật Bản.
3. Bánh Mochi – Ngày trẻ em (5 tháng 5)
- Kashiwa-mochi (かしわ餅) là mochi trắng nhân đậu đỏ ngọt, bên ngoài bọc bằng lá cây Kashiwa
- Chimaki (ちまき) là biến thể của bánh dango, được gói trong lá tre
4. Bánh Mochi – Ngày bé gái (3 tháng 3)
- Hishi mochi (菱餅)là món bánh được dùng vào ngày lễ Hinamatsuri , hay gọi là ngày lễ của bé gái ở Nhật Bản, Hishi mochi là mochi có hình thoi, với 3 lớp màu đỏ, xanh lá, trắng. 3 lớp mochi này được lên màu bằng hoa nhài, củ ấu và ngải cứu.
5. Bánh Mochi ăn kèn
* Mochi không chỉ ăn một mình, mà còn có thể ăn kèm với những thứ khác, phổ biến có các loại bánh mochi như
a, Đồ ngọt
- Daifuku (大福)là bánh mochi vỏ mềm, nhân ngọt như là đậu đỏ hoặc đậu trắng. Ichigo daifuku thì là kiểu có nhân là cả một quả dâu bên trong.
- Kusa mochi (草餅)là loại mochi màu xanh lá, làm từ vị ngải cứu.
b, Kem
- Mochi Kem (もちアイス) là một viên kem nhỏ được bọc bên trong mochi. Ở Nhật, món bánh này được sản xuất bởi tập đoàn Lotte dưới cái tên Yukimi Daifuku
c, Súp
- Oshiruko (お汁粉), hay còn gọi là Ozenzai (お善哉), là món súp đậu đỏ với mochi miếng. Mùa đông Nhật Bản mọi người thương ăn để làm ấm người.
- Chikara udon (ちからうどん) là món mì udon có ăn kèm mochi nướng.
- Zouni (雑煮) Súp ăn trong dịp năm mới đã đề cập ở trên.
29 món ăn đường phố nổi tiếng nhất Nhật Bản
Nếu ai đó đã từng đến Nhật hoặc yêu thích nền văn hóa Nhật Bản thì sẽ đều biết đến sự đa dạng và phong phú của ẩm thực nơi đây.
Và nơi để chúng ta có thể tìm hiểu về những nét đặc sắc ấy một cách đơn giản nhất, không đâu xa đó chính là những con phố ẩm thực nhộp nhịp. Hôm nay, các bạn cùng trung tâm tiếng Nhật Kosei khám phá Văn hóa Nhật Bản với 29 món ăn đường phố nổi tiếng nhất tại Nhật Bản nhé.
- お好(この)み焼(や)き: bánh xèo Nhật Bản
- わたあめ: kẹo bông
- 焼(や)き芋(いも): khoai lang nướng
- クレープ: bánh kếp
- 今川焼(いまがわや)き: loại bánh kếp vỏ dày, nhân đậu đỏ, trứng sữa
- 肉(にく)まん: bánh bao thịt
- イカ焼(や)き: mực tươi nướng
- 弁当(べんとう): cơm hộp
- 温泉卵(おんせんたまご): trứng lòng đào
- じゃがバター: khoai tây nướng phết bơ
- とうもろこし: ngô nướng
- カレーライス: cơm cà ri
- チョコバナナ: xiên chuối phủ sô cô la
- たい焼(や)き: bánh cá
- ラーメン: mì ramen
- たこ焼(や)き: bánh viên bạch tuộc nướng
- 焼(や)きそば: mì lúa mạch xào
- 塩焼(しおや)き: xiên cá nướng (thường là cá thu)
- ベビーカステラ: bánh bông lan nhỏ dạng viên
- おでん: món ninh gồm thịt, cá, rau, củ
- カレーパン: bánh cà-ri
- せんべい: bánh gạo vị mặn
- 団子(だんご): bánh trôi, cắm thành xiên
- かき氷(ごおり): đá bào, có nhiều vị
- いちご飴(あめ): kẹo dâu tây (dạng xiên)
- フライドポテト: khoai tây chiên
- 胡瓜(きゅうり): dưa chuột (thường bán trong mùa hè)
- ラムネ: nước soda chanh
- みかん飴(あめ): kẹo quýt (dạng xiên)
Ăn gì tại lễ hội mùa hè Nhật Bản
Lễ hội mùa hè Nhật Bản là một trong những nét đặc sắc trong văn hóa tại đất nước xứ sở hoa anh đào. Đã là lễ hội, bên cạnh việc tiếp nối truyền thống ngày lễ, đây còn là dịp để mọi người chơi những trò chơi thú vị và thưởng thức những món ăn ngon nữa. Với bài viết này, hãy cùng Kosei tìm hiểu một số món ăn thường thấy tại lễ hội Nhật Bản nhé.
1. りんごあめ (Kẹo táo)
Là táo chín được nhúng siro hoặc đường kẹo, được xiên que vào để cầm tay. Kẹo táo chỉ bán duy nhất ở lễ hội, thường không ăn vào ngày thường.
Người ta đun nóng đường với nước, sau khi đường tan rồi thì bỏ chất tạo màu xanh lá hoặc đỏ vào. Khi sánh lên rồi thì mang táo đã dùng đũa xiên qua nhúng vào là thành kẹo. Kẹo được đặt trên một tấm khay để nguội. Khi kẹo đông cứng lại là hoàn thành.
Vào những ngày mưa, khí ẩm bao xung quanh kẹo nên làm kẹo rất khó.
2. たこ焼 (Takoyaki)
Là món ăn truyền thống của Nhật Bản dùng nguyên liệu bột, dạng viên. Bên trong viên bột mì là bạch tuộc cùng các gia vị khác, nướng lên. Viên takoyaki có đường kính khoảng 3-4cm. Đây là món ăn bắt nuồn từ Osaka.
Takoyaki hiện nay là một món ăn phổ biến tại Nhật Bản. Không chỉ trong lễ hội hay dịp đi lễ năm mới, vẫn có các tiệm bán takoyaki bán quanh năm trên toàn quốc. Thậm chí có cả loại bếp làm takoyachi cho gia đình.
3. かき氷 (Đá bào)
Là đá lạnh cắt nhỏ hoặc xay nhuyễn, đổ siro lên trên. Cũng có thể đổ mứt đậu đỏ hoặc sữa đặc lên. Đá được làm nhỏ bởi tấm bào, tấm nạo, nhưng hiện tại thì đã có máy bào đá chuyên dụng.
Đá bào mùa hè là một trong những món theo mùa trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản, được gọi là 夏氷(なつごおり) .Ở Nhật, những cửa hàng bán đá bào thường có treo lá cờ gọi là Băng Kì (lá cờ nền trắng có chữ 氷 màu đỏ trên sóng xanh)
4. チョコバナナ(Chuối socola)
Chuối socola là chuối đã lột vỏ, được xiên vào que làm tay cầm và nhúng vào socola nóng chảy, sau đó để nguội cho đông lại. Có thể thêm topping tùy ý trên socola chuối. Tại lễ hội mùa hè, các gian hàng bán chuối socola có không ít.
Thường thì socola để nhúng có màu nâu. Nhưng người ta cũng dùng socola màu trắng, hồng hay xanh nước biển khác nữa. Topping thì thường là hạt dẻ hay đường cốm nhiều màu sắc.
5. イカ焼き(Mực nướng)
Là món ăn Nhật Bản từ mực ống. Mang toàn bộ con mực, rưới nước tương mặn ngọt lên rồi nướng. Cũng có kiểu mực nướng bắt nguồn ở Osaka là mực được bỏ bột mì vào rồi mới nướng.
Mực nướng cũng được xiên vào que để người đi lễ hội có thể cầm vừa đi vừa ăn.
6. 綿菓子 (Kẹo bông)
Cũng giống như kẹo bông ở Việt Nam hay ở mọi nơi trên thế giới, là kẹo được kết bông từ những sợi đường nóng chảy. Kẹo bông còn có thể có thể lên màu sắc đẹp mắt khi dùng thêm phẩm màu. Đây là thứ kẹo phổ biến vì không tốn nguyên liệu cầu kì, lại được trẻ em thích vì hình dáng bồng bềnh trắng muốt hay có màu sắc bắt mắt.
Vì khi làm kẹo tỏa ra hương thơm rất hấp dẫn, tại lễ hội, những gian hàng bán kẹo bông khá thu hút người ghé qua. Không chỉ vậy, những người mua còn có thể trực tiếp chứng kiến quá trình làm kẹo của người thợ.
Rượu Sake – Tinh hoa ẩm thực Nhật Bản
Sake là loại rượu truyền thống của người nhật, xuất hiện vào khoảng 2000 năm trước, là thức uống chuyên dùng cho các nghi lễ của thần giáo Nhật Bản. không như nhiều người lầm tưởng, rượu Sake hoàn toàn không dính dáng đến loài cây sake, một loại cây cùng họ với cây mít của Việt Nam. Khám phá văn hóa Nhật Bản cùng trung tâm tiếng Nhật Kosei nào.
1. Nguyên liệu làm rượu Sake
Rượu Sake ở Nhật Bản được làm từ gạo và nước, dưới sự tác động của một loại vi khuẩn gọi là koji và men rượu Sake.Gạo để làm rượu Sake phải được xây xát kỹ. Tại Nhật Bản có hai loại gạo, loại gạo thường, dùng để nấu ăn, và loại gạo Sakamai dùng để nấu rượu Sake. Gạo Sakamai có hạt lớn hơn và mềm hơn, và chỉ được trồng ở một số vùng nhất định, với kỹ thuật canh tác phức tạp hơn.
Để làm rượu Sake, chất đường cần để tạo ra cồn phải được biến đổi từ tinh bột. Trong quy trình ủ bia, việc hoán chuyển từ tinh bột sang đường, và từ đường sang cồn được làm trong 2 bước khác biệt, nhưng đối với rượu Sake thì việc này xảy ra liên tục. Thêm vào đó, nồng độ cồn cũng khác biệt giữa rượu Sake, rượu Vang, và bia. Rượu Vang thường có nồng độ 9-16% độ cồn, và hầu hết các loại bia có nồng độ từ 3-9%, trong khi rượu Sake chưa pha thêm nước vào có nồng độ cồn khoảng 18-20%, mặc dù nồng độ này thường được pha thêm nước trước khi đóng chai để giảm xuống còn khoảng 15% độ cồn theo thể tích của nước rượu.
Cũng giống như rượu vang, vị của rượu Sake tuỳ thuộc vào chất lượng của các thành phần cơ bản là gạo và nước, chất lượng của men, điều kiện thời tiết khi ủ rượu, nhiệt độ ủ, cũng như kỹ thuật của người ủ rượu. Yếu tố quan trọng đối với vị của Sake là nước vì nước chiến 80% tổng số nguyên liệu.
Nước dùng sản xuất rượu thường là nước ngầm. Song, yếu tố quyết định mang lại thành công cho cả quá trình ủ rượu là kinh nghiệm và sự cảm nhận tinh tế của người nấu rượu chính. Rượu Sake được ủ vào thời điểm lạnh nhất của mùa đông và sử dụng gạo vừa gặt trong mùa thu năm đó.
2. Thưởng thức sake
Sake có thể uống khi nguội, khi ấm hoặc nóng tùy theo mùa và theo loại Sake. Thường thì khi mùa Đông, người ta hay uống Sake nóng. Sake nóng, gọi là Atsukan, được dùng trong các bình gốm nhỏ gọi là Tokkuri và dùng loại chén nhỏ gọi là Choko.Để hâm nóng Sake, người ta chuyển Sake sang chứa trong các chai bằng gốm, rồi ngâm chai trong nước nóng cho tới khi Sake đạt nhiệt độ khoảng 50 độ C trở lên ( thường không quá 60 độ)
Cũng có loại Sake đặc biệt chỉ để uống lạnh. Người ta còn phân biệt rượu Sake nữ và Sake nam. Sake nam là loại làm từ nước cứng, có nhiều muối canxi và muối magiê, có vị hơi đắng. Sake nữ là loại làm bằng nước mềm, có vị dịu.
Chén uống Sake có nhiều loại. Khi uống Sake theo cách tương đối trang trọng và mang tính truyền thống, người Nhật có thể dùng một cái đĩa nhỏ và nông gọi là Sakazuki, hoặc một chiếc chén nhỏ không có quai gọi là Ochoko. Trang trọng và đậm nét truyền thống hơn nữa, người Nhật dùng cốc bằng gỗ gọi là Masu. Masu thường có hình dạng như một chiếc hộp, hình vuông, có thể phủ sơn hoặc không. Ở gia đình và ở nước ngoài, Sake có thể uống bằng ly thủy tinh.