Nhật bản là quốc gia tốn rất nhiều giấy mực, bởi khi nói đến đất nước Mặt Trời Mọc này có vô vàn điều để nói thành văn. Hôm nay, kosei sẽ nói đến Văn hóa ăn uống thường ngày của người Nhật bản. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu nhé!
1. Đất nước và con người Nhật Bản
Đất nước Nhật Bản
Bạn có biết rằng Nhật Bản là một quốc gia có tính đồng nhất về sắc dân và văn hóa. Người dân không phải nguồn gốc từ Nhật Bả chỉ chiếm đến 1% số dân.
Nhật Bản là một quần đảo với trên 3000 đảo được tạo thành từ các ngọn núi cao. Đất nước Nhật Bản bao gồm bốn hòn đảo chính: Hokkaido, Honshu, Shikoku và Kyushu. Honshu là đảo lớn nhất, chiếm 61% diện tích lãnh thổ quốc gia, được chia thành 5 vùng, tên các vùng lần lượt từ phía bắc là: Tohoku, Kanto, Chubu, Kinki và Chugoku.
Khoảng 67% diện tích Nhật Bản là đồi núi, chỉ có 13% là đất đai bằng phẳng có thể dùng cho canh tác hoặc phát triển đô thị.
Khí hậu: Nhật bản có khí hậu bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông rõ rệt. Vòa mỗi mùa sẽ có những đặc trưng riêng biệt.
Về tôn giáo: Đạo gốc của Nhật Bản là Thần đạo (đạo Shinto), có nguồn gốc từ thuyết vật linh của người Nhật cổ. Qua Trung Quốc và Triều Tiên, Phật giáo được du nhập từ Ấn Độ vào Nhật Bản từ khoảng giữa thế kỷ thứ VI. Khoảng 84% đến 96% dân số Nhật theo cả đạo Shinto và Phật giáo.
Con người Nhật Bản
1. Tính hiếu kì và nhạy cảm với văn hóa nước ngoài
Họ không ngừng theo dõi những biến động tình hình bên ngoài, đánh giá và cân nhắc những ảnh hưởng của các trào lưu và xu hướng chính đang diễn ra đối với Nhật, nếu họ phát hiện trào lưu nào đang thắng thế thì họ có xu hướng sẵn sàng học hỏi, nghiên cứu để bắt kịp trào lưu đó. Mặc dù rất nhạy cảm với văn hóa nước ngoài nhưng họ vẫn ý thức về tài sản văn hóa của họ.
2. Ý thức tập thể
Tập thể đóng vai trò quan trong đối với người Nhật. Trong công việc người Nhật thường gạt cái tôi lại để đề cao cái chung, tìm sự hòa hợp giữa mình và những người xung quanh.
3. Tôn trọng thứ bậc và địa vị
Ý thức tôn trọng thứ bậc có lẽ đã có từ lâu trong đời sống của người Nhật. Tập quán này được nhấn mạnh trong hơn 250 năm dưới thời Tokugawa. Ngày nay ý thức tôn trọng thứ bậc vẫn được thể hiện trong đời sống hàng ngày.
4. Óc thẩm mĩ
Óc thẩm mỹ của người Nhật không chỉ biểu hiện qua các hiện tượng bên ngoài mà còn qua lối suy nghĩ và cung cách sống hàng ngày, hay nói rộng ra là nhân sinh quan của họ. Họ luôn tìm kiếm cái đẹp trong công việc hàng ngày.
Người Nhật họ không đi giày, dép vào trong nhà, do đó khi đến thăm nhà một người bạn Nhật hoặc tới một công ty Nhật nếu để ý bạn sẽ thấy một giá để giầy dép ở cửa ra vào. Như vậy bạn nên cởi giày hoặc dép sau đó để lên giá một cách gọn gàng.
Việc nói không 1 cách trực tiếp với ai đó là bất lịch sự, đi bộ khi đang ăn là bất lịch sự, thậm chí nhường ghế cho người già cũng là bất lịch sự thế nhưng ăn uống phát ra tiếng động, xô đẩy khi đi tàu lại là điều hết sức bình thường.
Người Nhật được xem là những công dân chăm chỉ nhất thế giới, họ rất yêu công việc và coi công việc như cuộc sống của mình.
2. Quan niệm về ăn uống của người Nhật Bản
Văn hóa ẩm thực Nhật được biết đến với những món ăn truyền thống, và nghệ thuật trang trí ẩm thực độc đáo. Nhật cũng giống như các nước châu Á khác, xuất phát từ nền nông nghiệp lúa, nên cơm được coi là thành phần chính trong bữa ăn của người Nhật. Ngoài ra cá và hải sản là nguồn cung cấp protein chủ yếu của họ. Trên thực tế thì có rất nhiều người Nhật cảm thấy rất khó chịu nếu không ăn cơm ít nhất mỗi ngày một lần, tuy nhiên hiện nay có khá nhiều người dùng bánh mỳ cho bữa sáng và các loại mì sợi (pasta) cho bữa trưa.
Người Nhật thường chú ý nhiều đến kiểu cách và rất cầu kỳ trong chế biến thực phẩm. Chính những điều này tạo nên hương vị đặc trưng của các món ăn Nhật như các món ăn sống, hấp, luộc…
“Tam ngũ” là quan niệm của người Nhật trong các món ăn, đó là “Ngũ vị, ngũ sắc, ngũ pháp”.
+ Ngũ vị bao gồm: ngọt, chua, cay, đắng, mặn.
+ Ngũ sắc có: trắng, vàng, đỏ, xanh, đen.
+ Ngũ pháp có: để sống, ninh, nướng, chiên và hấp.
Mùi vị các món ăn Nhật đơn giản hơn so với các món ăn của phương Tây. Đồ ăn Nhật chú trọng đến đặc sản theo từng mùa và sự lựa chọn các bát đĩa đựng thức ăn một cách nghệ thuật. Các món ăn của Nhật nhằm giữ lại nhiều nhất hương vị, màu sắc của thiên nhiên.
Nhật Bản nghiêng về sự bắt mắt tinh tế, đó là sự hòa trộn khéo léo và tinh tế của màu sắc, hương vị cũng như tôn giáo truyền thống. Những món ăn được chế biến nhỏ nhắn, xinh xắn, hương vị thanh tao, nhẹ nhàng không quá nồng đậm. Người Nhật thường dùng đũa để ăn, đặc biệt họ thích bày biện món ăn bằng những bát, đĩa nhỏ xinh.
Đồ ăn thường ngày của người Nhật Bản chủ yếu là cơm, cá, rau. Thịt ít có trong thành phần bữa ăn. Điều này đôi khi được các sách nước ngoài gán cho là do ảnh hưởng của đạo Phật. Mặc dù những điều dạy của đạo Phật cũng có ít nhiều tác động đến vấn đề này trong một thời gian dài, nhưng nguyên nhân quan trọng hơn cả là do quỹ đất nông nghiệp hạn hẹp nên người ta phải tập trung đất cho việc sản xuất ngũ cốc cần thiết, khiến đất dành cho chăn nuôi gia súc rất ít ỏi.
Những món ăn thường ngày của người Nhật Bản
1. Trứng sống
Món này thường xuất hiện trong anime Gintama, người dùng bữa sẽ đập một quả trứng tươi sống vào và trộn đều với cơm, sau đó dọn kèm nước tương để thêm phần đậm đà. Món ăn sẽ có độ béo cùng vị mặn vừa đủ, đồng thời cũng tiện lợi và hầu như không phải chế biến.
2. Nattou
Nattou là đậu nành lên men – một món ăn truyền thống của Nhật. Người dân xứ sở hoa anh đào thường dùng cơm kèm với Natto vào bữa sáng. Đây được biết đến là một món ăn ngon và giàu chất dinh dưỡng.
3. Shirasu
Shirasu chính là cá cơm và cách thưởng thức thì có thể dùng tươi nguyên hoặc sau khi đã phơi khô. Người Nhật rất thích món ăn này và thường dọn chúng với cơm cùng một số loại tương ăn kèm nữa.
4. Hijiki
Hijiki là một loại rong biển đen đã sấy khô và cắt mỏng. Người dân xứ Phù Tang thường ăn không hoặc ướp muối cho thêm vị mặn. Đây là loại thức ăn rất phổ biến, có thể mua từ bất cứ siêu thị hay cửa hàng tiện lợi nào ở Nhật Bản.
5. Furikake
Furikake là một loại gia vị khô của Nhật Bản dùng để rắc lên cơm và ăn trực tiếp. Món này thường bao gồm hỗn hợp sấy khô của cá, hạt mè và rong biển xắt nhỏ.
6. Món ăn ưa thích của người Nhật
Thói quen ẩm thực của người Nhật rất đa dạng cho nên rất khó nói là họ thích món ăn nào nhất. Tuy nhiên theo sự điều tra của các nhà hàng bình dân thì món ăn được gọi nhiều nhất là xúc xích, món ca ri (curry) với cơm, và mỳ ống (spaghetti).
Những món ăn trên cũng được yêu chuộng nhất tại nhà. Trong con mắt của người nước ngoài thì Sushi (cơm nắm cá sống), Tempura (tôm, rau tẩm bột rồi đem rán), và Sukiyaki (món lẩu thịt bò với nước tương và rau) là các món ăn truyền thống của người Nhật thì tất nhiên rất phổ biến ở Nhật (tuy nhiên họ không ăn các món đó hàng ngày).
Văn hóa trong khi ăn uống của người Nhật Bản
1. Trước khi ăn
* Tôn trọng chủ nhà hoặc những người cấp trên
Đầu tiên, bạn hãy ngồi theo sự hướng dẫn của người phụ trách, người đi trước hoặc của lãnh đạo. Trường hợp được mời ăn tại gia đình, bạn nên ngồi sau khi chủ nhà hoặc vợ chủ nhà nói “Hãy ngồi vào chỗ này”. Khi được ngồi vào vị trí nào đó, bạn hãy nói “shitsureshimas” – nghĩa là “tôi xin phép và ngồi vào vị trí như đã được mời” và ngồi vào vị trí được chỉ định, không được phải đối. Nếu bạn không được hướng dẫn ngồi vào một vị trí cụ thể thì hãy đợi và ngồi vào vị trí cuối cùng nhé!
Trước bữa ăn, mọi người phải đợi người phụ trách, lãnh đạo,… uống trước. Đặc biệt lưu ý là không được uống một mình. Mọi người sẽ cùng cạn chén sau khi người phụ trách nói tất cả mọi người “cạn chén” hoặc “xin cảm ơn tất cả mọi người”!
* Nói itadakimasu
Người Nhật thường nói “itadakimasu” trước bữa ăn để cảm ơn những thực vật và động vật đã đánh đổi mạng sống của mình đem đến một bữa ăn ngon. Đây cũng là lời biết ơn tới những người săn bắt, hay người nông dân đã mất công mất sức để góp phần tạo ra được bữa ăn này. Cụm từ itadakimasu trong trường hợp này được dịch ra là “Mời ăn”, “Ăn ngon miệng” hay “Cảm ơn vì bữa ăn.” Thông thường người ta hay nói itadakimasu một cách riêng biệt hoặc im lặng tự nói với mình trước khi vào bữa. Tuy nhiên một itadakimasu thực hiện đúng cách là phải được nói với hai bàn tay đan vào nhau và một cái gật đầu nhẹ.
2. Trong bữa ăn
* Chén bát
Người Nhật coi trọng hình dáng, hương vị có sẵn của vật liệu, coi trọng vẻ đẹp của hình dáng sắp xếp món ăn v.v… Vì thế, có điểm đặc thù là mỗi món ăn được xếp trên một đĩa riêng biệt nên có nhiều loại chén bát bày ra trên bàn. Và vừa ăn vừa thưởng thức hương vị của từng đĩa thức ăn.
* Một số nguyên tắc trong khi ăn
Văn hóa Nhật Bản trong ăn uống khá khắt khe với nhiều nguyên tắc cần tuân thủ chặt chẽ. Điều này có thể gây khó khăn không nhỏ cho du khách khi lần đầu đến Nhật. Một số nguyên tắc trong khi ăn bạn cần nhớ đó là:
– Không trộn wasabi với nước tương. Rất nhiều nhà hàng trên thế giới đều trộn wasabi với nước tương khi phục vụ các món Nhật. Tuy nhiên, tại Nhật, cách sử dụng wasabi đúng nhất là cho wasabi vào món ăn bạn muốn thưởng thức rồi chấm vào nước tương.
– Không cắn đôi thức ăn. Cũng giống như một số nước, việc căn đồ ăn được coi là bất lịch sự trong văn hóa ăn uống của Nhật Bản. Người Nhật đặc biệt hạn chế đặt một món đồ ăn nào đó còn dang dở trên bàn. Do đó, bạn nên ăn tất ăn chỉ bằng một miếng. Nếu thức ăn quá to thì nên dùng tay che miệng lại.
– Không dùng tay đỡ đồ ăn rơi. Một nguyên tắc văn hóa Nhật Bản trong ăn uống mà nhiều người thường vi phạm là dùng tay đỡ đồ ăn rơi. Hầu hết mọi người đều có thói quen dùng tay đỡ đồ ăn rơi để tránh làm bẩn ra quần áo hay bàn ăn. Tuy nhiên, đây là một hành động được coi là không đẹp mắt và nên tránh ở Nhật Bản.
– Không lật ngược nắp bát. Tại Nhật, lật ngược nắp bát là một hành động ám chỉ bạn đã dùng bữa xong. Do đó, trong quá trình ăn bạn nên để nắp bát như khi chúng được người phục vụ mang ra bàn.
– Không đặt vỏ sò trên nắp bát hay đĩa riêng. Tại Việt Nam, khi được phục vụ các món như sò, hàu, ngao… chúng ta thường đặt vỏ vào nắp bát hoặc bát riêng. Tuy nhiên, đây lại là một hành động không được lịch sự ở Nhật. Bạn nên để phần vỏ này vào bát đựng món ăn đó.
– Không đưa đồ ăn lên quá cao. Trong bàn ăn, nhiều người thường đưa đồ ăn lên cao ngang tầm mắt. Đây là một hành động được coi là mất lịch sự ở Nhật Bản.
– Sử dụng đôi đũa trong khi ăn:
+ Giống với người Việt người Nhật sử dụng đũa để ăn tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý khi sử dụng đôi đũa nhé. Để cầm đũa đúng cách thì đầu tiên bạn hãy tách 2 cây đũa ra, sau đó để chúng song song với nhau trên ngón trỏ và dưới ngón cái. Đặt phần giữa của cây đũa trên giữa đầu ngón trỏ và phía trên phần móng ngón giữa, đặt ngón cái đè lên trên cây đũa trên đó. Dùng đầu ngón giữa và phần móng ngón đeo nhẫn giữ phần giữa của cây đũa phía dưới. Bạn chỉ cần dịch chuyển cây đũa dựa theo nguyên tắc đòn bẩy là có thể gắp thức ăn dễ dàng.
+ Tránh cầm đũa trước khi nhấc bát lên. Một nguyên tắc cũng khá đặc biệt của văn hóa Nhật Bản trong ăn uống là bạn không được cầm đũa trước khi nhấc bát lên. Nếu bạn muốn chuyển sang bát khác thì hãy đặt đũa xuống sau đó mới được đổi bát.
+ Tránh đưa đũa qua lại hay chạm vào thức ăn nếu bạn không có ý định gắp. Đây cũng là nguyên tắc lịch sự chung của nhiều nước. Người tránh việc gắp đồ ăn sau đó bỏ chúng lại và gắp sang món khác. Bạn nên xác định món ăn mình định ăn trước khi đưa đũa ra gắp.
+ Tránh gác đũa ngang miệng bát. Tại Nhật, khi muốn gác đũa xuống, bạn nên đặt đũa vào gác đũa. Trong trường hợp không có gác đũa, bạn nên dùng bao đũa để gấp lại thành cái gác đũa hoặc gác đũa lên khay hay một vật nào đó tương tự trên bàn ăn.
+ Tránh dùng đầu còn lại của đũa để gắp thức ăn. Đây là một hành động bạn có thể thường xuyên gặp tại Việt Nam, tuy nhiên, tại Nhật, đây là hành động được coi là bất lịch sự. Phần đầu đũa là nơi tiếp xúc với tay và không được vệ sinh. Nếu bạn muốn gắp thức ăn bằng đũa sạch hãy hỏi người phục vụ để lấy thêm một đôi đũa mới.
+ Tránh chuyền thức ăn từ đôi đũa này sang đôi đũa khác bằng đũa.
+ Tránh 2 người cùng gắp 1 miếng thức ăn trong dĩa. Trong truyền thống lễ an táng của người Nhật, sau khi hỏa táng, theo phong tục, xương của người chết sẽ được người trong gia đình chuyền từ đôi đũa này sang đôi khác, chính vì vậy mà người Nhật luôn tránh để hai đôi đũa tiếp xúc trực tiếp trong lúc thưởng thức bữa ăn
+ Tránh ngậm đũa vào miệng để dùng tay làm việc khác. Hành vi này được coi là rất xấu trong bữa ăn. Khi muốn rảnh tay để làm gì đó trong lúc ăn, đôi đũa không dùng đến cần phải được gác ngay ngắn trên hashioki (gác đũa), rồi dùng hai tay để cầm chén.
+ Tránh dùng đũa kéo các chén (dĩa) thức ăn ở phía xa về phía mình, hoặc đẩy dĩa thức ăn ra xa. Không chỉ là hành động khó coi, việc làm này còn có thể làm xước, hư hỏng chén dĩa và bàn ăn. Cách làm đúng trong trường hợp này là dùng tay nhấc hẳn dĩa thức ăn lên rồi di chuyển đến nơi khác.
+ Tránh dùng đầu đũa cắm xuyên qua miếng thức ăn, chọc đũa vào thức ăn để ăn, xé thức ăn hay lấy thức ăn vào chén mình cũng giống như thử xem món ăn đã nấu chín chưa, có ý xúc phạm đến người đã nấu món ăn.
+ Tránh cắm đôi đũa thẳng đứng trên chén cơm. Đây là hình ảnh chỉ có trên bàn cơm cúng vong linh người chết theo nghi thức Phật giáo. Do đó hình ảnh này không được phép xuất hiện trong bữa ăn. Đôi đũa Nhật Bản có nhiều thứ “đi kèm” và người dùng bữa ngoài nắm được cách ăn bằng đũa và cách hành xử sao cho đúng khi dùng bữa còn cần phải biết cách sử dụng những vật dụng này cho đúng đắn.
+ Khi ăn bằng bát nhỏ, bạn nên bê bát lên gần miệng để gắp đồ ăn. Khi ăn những món được đặt trên đĩa chung, bạn nên dùng đũa riêng của món đó để gắp thức ăn. Xì mũi, ăn tạo thành tiếng (trừ với món mì) bị coi là bất lịch sự, và bạn không nên để lại bất cứ chút đồ thừa nào. Người Nhật quan niệm phải ăn hết đồ ăn đã dọn ra. Suất ăn cũng thường nhỏ và vừa đủ để mọi người không bỏ lại. Nếu có loại nguyên liệu nào đó bạn không ăn được, có thể bảo nhà hàng đổi sang nguyên liệu khác.
– Không để lại thức ăn thừa. Việc để lại thức ăn thừa trên bàn ăn là một hành vi bất lịch sự tại Nhật Bản. Do đó, bạn nên ăn hết thức ăn trên bàn hoặc gói mang về mà không nên để lại thức ăn thừa.
* Cách uống
Đừng uống cho tới khi mọi người có mặt ở bàn ăn đã có đồ uống và sau đó nâng cốc chúc mừng. Khi uống rượu, bạn nên rót cho người khác hơn là rót cho mình. Nhớ để ý xem cốc người uống cùng mình và rót thêm nếu cốc sắp cạn.
Nếu được người bề trên rót rượu, người có cấp bậc thấp hơn phải cầm ly bằng hai tay. Tương tự, khi rót rượu cho người bề trên, người có địa vị thấp hơn phải cầm chai bằng hai tay. Nếu một người lớn tuổi hơn trao một ly cạn (luôn luôn là ly của họ) đến cho bạn, có nghĩa là người đó sắp rót đầy ly và muốn bạn uống. Bạn không phải uống cạn ly, nhưng ít nhất bạn phải làm như bạn đang uống (“nhấp môi” cũng được chấp nhận). Và nếu bạn uống cạn ly, bạn phải trả ly lại cho người đó. Bạn không cần phải trả lại ngay, nhưng giữ ly trong một thời gian dài thì bị xem như khiếm nhã. Khi uống rượu trước người lớn tuổi, bạn nên luôn luôn xoay lưng lại và sau đó mới uống để thể hiện sự tôn trọng.
3. Sau khi ăn
* Xếp bát đũa:
Sau khi ăn xong, bạn cần xếp bát đũa lại theo trật tự ban đầu như lúc đồ ăn được dọn ra, úp lại nắp các bát, đặt đũa lên thanh gác đũa hoặc giấy bao. Người Nhật kết thúc bữa ăn với câu “gochisōsama deshita” nghĩa là “cảm ơn vì bữa ăn”, thể hiện sự trân trọng không chỉ với đầu bếp mà còn với các nguyên liệu chế biến ra món ăn.
* Tăm xỉa răng và Khăn tay
Tăm xỉa răng tại Nhật sẽ không được để trên bàn ăn mà thường đặt ở nhà vệ sinh. Lý do là vì ở Nhật, phụ nữ thường rất ngại xỉa răng trước mặt người khác. Việt Nam mình, ăn xong xỉa răng là chuyện thường. Tất nhiên khi xỉa răng thì lịch sự che miệng lại để người khác không thấy mất vệ sinh. Nhưng ở Nhật, phụ nữ họ còn kĩ càng hơn nữa, nên đa số sẽ ngại không xỉa răng trước mặt người khác! Vậy bạn thắc mắc nếu thức ăn dính vào răng thì phải làm sao, đúng không? Nếu trong trường hợp đó, thì họ sẽ lẳng lặng vào nhà vệ sinh, soi kiếng rồi tự làm sạch răng một mình, mà không sợ người khác nhìn thấy
Người Nhật rất thích xài khăn tay, hầu như khi ra đường ai cũng có 1 chiếc cho vào túi để lau tay, lau mồ hôi sử dụng sau bữa ăn…
* Nói “Gochisosamadeshita”
Gochisosamadeshita (xin cảm ơn về bữa ăn) cách nói này nghe thì hơi khách sáo nhưng kể cả trong gia đình cũng phải nói, như vậy sẽ giúp mọi người luôn ý thức về việc phải biết ơn người đã mời hay làm bữa ăn cho mình.
Nguyên tắc văn hóa Nhật Bản trong ăn uống thật đặc biệt phải không nào? Bạn hãy ghi chú lại trong sổ tay của mình để tránh gặp những trường hợp xấu hổ nhé! Nào bây giờ thì du khách hãy tham gia tour du lịch Nhật Bản cùng chúng tôi để có những trải nghiệm đầy thú vị.
4. Văn hóa uống của người Nhật
Văn hóa trà đạo
Trà đạo là một trong những nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Văn hóa Nhật Bản, không chỉ vậy nó còn là một trong số ít những nghệ thuật độc đáo nhất trên thế giới. Khi nhắc đến Nhật, phải nhắc đến Trà đạo, hay ngược lại, nói đến Trà đạo người ta nghĩ ngay đến đất nước mặt trời mọc. Trà đạo đó là niềm tự hào của người Nhật.
Và khi đi tìm hiểu về Trà đạo của Nhật Bản, người ta không thể không nhắc tới tên tuổi của vị thiền sư SEN NO RIKYU (1521-1591), một người đã có công vô cùng lớn lao để tạo ra sự phát triển cũng như sự độc đáo, đặc sắc trong nghệ thuật Trà đạo mà vẫn mang đậm màu sắc văn hóa của đất nước Phù Tang. Một trong những đóng góp to lớn đó chính là việc Sen no Rikyu đề ra 4 nguyên tắc trong Trà đạo: HÒA – KÍNH – THANH – TỊNH.
“HÒA” có nghĩa là sự hài hòa, hòa hợp, giao hòa. Đó là sự hòa hợp giữa trà nhân với trà thất, sự hòa hợp giữa các trà nhân với nhau, sự hòa hợp giữa các trà nhân với các dụng cụ pha trà.
“KÍNH” là sự tôn trọng, tôn kính của trà nhân với mọi sự vật và con người, là sự tri ân cuộc sống. Và lòng kính trọng được nảy sinh khi tinh thần của trà nhân vươn tới sự hài hòa hoàn toàn.
Khi lòng tôn kính với vạn vật đạt tới sự không phân biệt thì tấm lòng trở nên thanh thản, yên tĩnh đó là ý nghĩa của chữ “THANH”.
Khi lòng thanh thản,yên tĩnh hoàn toàn thì toàn bộ thế giới trở nên tĩnh lặng, dù sống giữa muôn người cũng như sống giữa nơi am thất vắng vẻ tịch liêu. Lúc đó thế giới với con người không còn là hai, mà cả hai đều vắng bặt. Đó là ý nghĩa của chữ “TỊNH”.
Bốn chữ: “Hòa – Kính – Thanh – Tịnh ” như một thước đo bản thân vị trà nhân đang ở vị trí nào trên con đường trà đạo.
Văn hóa uống rượu Sake
Ra đời cùng với nghi lễ uống trà, cắm hoa, uống rượu Sake thời Murômi Chi (1933-1573) là một trong những nét đặc trưng nhất của Nhật Bản. Ngày xưa ở Nhật Bản có ba trường phái uống Sake: Trường phái quý tộc thì xem ai sành nếm rượu, trường phái võ sĩ chú ý làm đúng nghi lễ, trường phái thương nhân nhằm bày tỏ lòng hiếu khách. Sake có độ cồn 22o vào loại cao so các loại rượu trên thế giới. Khi uống sake, mọi người luôn phải rót Sake cho người khác, không bao giờ được tự rót cho mình, nhưng nếu dốc cạn chai thì chỉ được rót vào chén riêng của mình.
Rượu Sake thường được đun nóng đựng trong vò hoặc lọ bằng gốm. Sake thường được uống trong khi giải trí như ngắm trăng, xem tuyết, ngắm hoa Anh đào…
Nếm Sake là một nghệ thuật tinh tế. Xưa kia thường có tục thi nếm Sake để biết rượu ở đâu làm… Ngày nay, những người sành rượu có thể đánh giá được chất lượng của Sake. Họ rót rượu vào một cái chén bằng sứ trắng ở đó có vẽ hai vòng tròn xanh thẫm lồng nhau tượng trưng cho mắt rắn. Đánh giá rượu Sake theo ba bước: nhìn để đánh giá độ trong, màu sắc, ngửi đánh giá hương vị và nếm.
Loại rượu Sake quý nhất là Ghiugiô, có hương vị thơm thoảng như táo, chuối, dứa. Trước đây Ghiugiô sản xuất ít thường được sử dụng trong những đợt thi nếm. Ngày nay do cạnh tranh với bia, Whisky, rượu vang, Ghiugiô được sản xuất nhiều hơn. Hương vị đặc biệt, rượu Sake đã trở nên nổi tiếng trên thế giới, trong khu vực là một biểu tượng của đời sống văn hóa tương đối cầu kỳ nhưng tinh tế của người Nhật.
Một sự khác biệt giữa cách uống rượu của nguời Nhật và người việt là trong khi người Việt mình không cho đá vào rượu thì người Nhật lai thường cho đá và nước hòa rượu trước khi uống. Và người Nhật cũng ít khi uống kiểu xoay vòng 100% như ở Việt Nam mình.
Tuy nhiên phong cách và thói quen ăn uống của người Nhật dần bị Âu hóa đi nhiều và trở nên đa dạng hơn. Hiện nay có rất nhiều người dùng bánh mỳ, trứng, sữa, và uống cà phê hay trè cho bữa sáng. Và trẻ em Nhật rất thích ăn xích xích. Trên đây là những nét văn hóa độc đáo trong ăn uống thường ngày của người Nhật Bản. Có sự hội nhập và vài phần bị Âu hóa xong người Nhật vẫn luôn giữ được những nét văn hóa riêng biệt không thể xóa mờ. họ thường rất chú trọng đến các bữa ăn, quan tâm đến tính thẩm mỹ, đấy chính là nét riêng của họ.